Theo tạp chí US News&World Report, có thể dễ dàng nhận ra việc ngăn chặn tốc độ phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân “chóng mặt” của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
|
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến sẽ hối thúc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, trong chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới. Ảnh: The Indian Express. |
Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh Nhật Bàn và Hàn Quốc cùng sát cánh trong vấn đề ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triểu Tiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ không dễ để các quốc gia nói trên thống nhất một chiến lược cơ bản trong vấn đề nóng bỏng nói trên, nhất là khi các nước trong khu vực đều trải qua mối quan hệ lịch sử “hết sức phức tạp” với nhau và vẫn còn nhiều “mâu thuẫn âm ỉ”.
Việc Mỹ sẽ thể hiện quan điểm của mình như thế nào trên “bàn cờ” địa-chính trị Đông Bắc Á hiện vẫn là “một câu hỏi lớn”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến thời điểm này vẫn giữ kín chính sách ngoại giao liên quan đến châu Á của ông.
Điều này mở ra cơ hội cho tất cả các bên trong việc có thể kéo Mỹ “gần hơn với mình” để có được “câu trả lời rõ rệt nhất” trong thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đặt chân đến các nước nói trên.
Nhân dịp này tạp chí US News&World Report đã đưa ra nhận định của mình về tính toán và kỳ vọng của các nước nói trên đối với Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên nhân chuyến công du châu Á của ông Rex Tillerson.
Nhật Bản
Đây chính là chặn dừng chân đầu tiên tại châu Á của ông Tillerson. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn “chưa nguôi cơn giận” về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 6/3. 3 trong số 4 quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên được cho là một “lời thách thức trực tiếp” đối với Mỹ về khả năng phóng tên lửa đồng thời của nước này. Bằng việc phóng cùng lúc 4 quả tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn cảnh báo Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản - vốn chỉ có thể đánh chặn 1 quả tên lửa 1 thời điểm.
Dù Triều Tiên tuyên bố vụ phóng thử tên lửa của nước này là nhằm đe dọa các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng “mục tiêu thứ 2” của Triều Tiên là nhằm “trừng phạt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe” vì “dám về cùng một phe với Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Điều này là bởi, khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa ngày 12/2 theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Abe đang “bận” chơi golf với ông Trump tại Mỹ. Rõ ràng, ông Kim Jong-un muốn cảnh báo 2 nhà lãnh đạo nói trên về hậu quả sẽ xảy ra nếu họ “cố tình phớt lờ” Triều Tiên.
Trong thời gian ông Tillerson thăm Nhật Bản, nước này sẽ tìm cách để nhận được lời cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh từ phía Mỹ trước mối đe dọa của Triều Tiên.
Hàn Quốc
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc muốn nhận được lời xác nhận của ông Tillerson rằng, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn “vẫn không thay đổi” dù trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ ăn bám” hàng viện trợ quân sự của Mỹ.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn tính đến việc có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với chính sách của ông Trump đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn được cho là “còn rất mơ hồ”.
Dù vẫn rất bất an về việc ông Trump chưa đưa ra một lộ trình cụ thể cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng từ vụ bê bối chính trị đình đám nhất lịch sử nước này dẫn đến việc bà Park Geun-hye bị phế truất.
Sự kết thúc “triều đại” Park Geun-hye đã đầy Hàn Quốc vào một vòng xoáy chuyển giao quyền lực mới khiến nước này về cơ bản “bị tê liệt chính trị” trong vòng 60 ngày cho đến khi một Tổng thống mới được bầu lên vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãnh đạo phe đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi Tổng thống tạm quyền của nước này phải dừng ngay mọi chính sách đang được thực thi dưới thời bà Park Geun-hye, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đầy tranh cãi.
Trong chuyến công du của mình diễn ra vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung, ông Tillerson dự kiến sẽ thăm khu Phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tại đây, ông Tillerson sẽ tham gia chụp ảnh để thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của liên minh Mỹ-Hàn.
Trung Quốc
Chặng dừng chân cuối cùng của ông Tillerson tại châu Á chính là Trung Quốc, nơi ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gửi đến nhà lãnh đạo Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ Mỹ muốn Trung Quốc “mạnh tay hơn” trong vấn đề Triều Tiên.
Dù Trung Quốc cũng đã thực hiện hành động răn đe Triều Tiên của mình thông qua việc ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên trong cả năm 2017 và thể hiện cam kết muốn là nước đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Triều Tiên và các nước khác nhưng rõ ràng, điều này không xuất phát từ “sức ép từ phía Mỹ”.
Điều này là bởi, Mỹ đã khiến Trung Quốc “cảm thấy bất an” khi đang tìm cách đẩy nhanh việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc với mục tiêu hoàn tất việc này trước khi Hàn Quốc có Tổng thống mới.
Trung Quốc từng cảnh báo Hàn Quốc rằng, việc chấp thuận để Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc “là một sai lầm” và khẳng định sẽ có những động thái “để tự vệ”. Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt về mặt thương mại và văn hóa đối với Hàn Quốc để chứng minh mình “không nói suông”.
Với những động thái nói trên của Trung Quốc, rõ ràng THAAD sẽ trở thành tâm điểm trong cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson./.