|
Một tàu chiến Nga trên đường tới cảng Tartus, Syria.
|
Lâu nay cảng Tartus - căn cứ hậu cần chiến lược của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải – được cho là lý do quan trọng nhất khiến Moscow không thể bỏ rơi chế độ Assad. Mới đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tuyên bố sẽ duy trì một hạm đội hải quân thường trực trong khu vực. “Đây là một khu vực chiến lược quan trọng và chúng tôi có nhiều việc phải làm ở đây để bảo vệ an ninh quốc gia của Liên bang Nga”, ông Putin nói.
Ngoài ra, Hải quân Nga cũng tổ chức diễn tập gần như liên tục ở phía Đông Địa Trung Hải. Gần đây, Nga thậm chí còn triển khai lực lượng đặc nhiệm bao gồm 16 tàu chiến tại đây.
Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, truyền thông thế giới rầm rộ đưa tin tiền đồn quân sự duy nhất còn sót lại của Nga ở ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ đã bị đóng cửa. Tờ Vedomosti dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga đưa tin: "Chúng tôi không còn nhân viên và công dân ở Syria nữa. Cũng không để lại bất cứ cố vấn quân sự nào tại các đơn vị quân đội chính quy của Syria”.
Trong khi đó, theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã xác nhận thông tin trên. Theo báo này, ông Bogdanov còn tiết lộ, căn cứ quân sự của Nga ở cảng Tartus - nơi 70 nhà khoa học, công nghệ Nga làm việc - không còn đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với Nga.
“Đây chỉ là một căn cứ kỹ thuật để duy trì, bảo dưỡng tàu thuyền của Nga ở Địa Trung Hải”, báo Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Bogdanov nhấn mạnh.
Bất kể cảng Tartus có phải là căn cứ chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải hay không, câu hỏi được đặt ra là tại sao Nga quyết định bỏ rơi nó vào lúc này?
Trước những thông tin gây tranh cãi, nhiều nhà phân tích cho rằng, Điện Kremlin đang bắt đầu rời khỏi Syria – nơi cuộc nội chiến đẫm máu đã khiến hơn 100.000 người vô tội thiệt mạng.
“Lý do tiên quyết và nhiều khả năng cho quyết định đóng cửa căn cứ Tartus là Nga không muốn mạo hiểm cuộc sống của 70 nhân viên quân sự làm việc tại đây thêm nữa. Hiện nay, thế chủ động trong cuộc nội chiến Syria nằm trong tay chế độ Assad. Do đó, Nga có thể quan ngại, các chiến binh nổi dậy cực đoan sẽ hành động đe dọa đến sự an toàn của công dân Nga”, ông Vladimir Sotnikov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phương Đông có trụ sở ở Moscow nhận xét.
Ngoài ra, theo ông Sotnikov, những lý do khác dẫn đến hành động của Nga còn bao hàm mục đích xúc tiến các cuộc đàm phán Geneva-2 khi có tin Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã nhất trí về khuôn khổ đàm phán. Do đó, có thể Nga muốn xóa tan ấn tượng rằng, quan điểm của họ dựa trên lập trường nhất quyết phải bảo vệ căn cứ Tartus.
“Dù sao thì các tàu của Nga cũng có khả năng tới đảo Síp để được bảo dưỡng và tiếp tế. Khả năng này an toàn hơn”, ông Sotnikov nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà phân tích khác của Nga nhất trí rằng, cho dù lý do sơ tán nhân viên và công dân của Điện Kremlin là gì, đó cũng không phải là dấu hiệu báo hiệu sự thay đổi lập trường ủng hộ của nước này đối với chính quyền Assad như Tổng thống Putin đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 tuần trước.
Kể từ đầu năm nay, Nga cũng liên tục tiến hành sơ tán khoảng 30.000 công dân sinh sống tại Syria. Hôm qua, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, họ đã sơ tán 130 công dân Nga khác khỏi Latakia, ở mạn Tây Bắc Syria và đưa họ trở về nước an toàn.
Hiện vẫn chưa rõ thực hư việc Nga sơ tán căn cứ Tartus và rút toàn bộ nhân viên cũng như công dân khỏi Syria có chính xác hay không, khi cũng có tin Bộ Quốc phòng Nga đã ra thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn trên.