Quân đội Nga rút quân khỏi Syria bắt đầu từ ngày 15/3. Động thái này diễn ra vào thời điểm cuộc đàm phán hòa bình diễn ra tại Geneva và đã gây bất ngờ đối với nhiều quốc gia và các bên liên quan.
Sau khi hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giúp quân đội chính phủ giành lại thế chủ động trong cuộc nội chiến, giờ đây Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang gây sức ép đối với đồng minh lâu năm của mình nhanh chóng chấp nhận hiệp ước hòa bình với phe đối lập.
|
Máy bay Su-34 của Nga cất cánh tại căn cứ không quân Hmeymim (Syria). |
Trong ngày 15/3, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng “các binh sĩ đang đưa các thiết bị, các loại phương tiện quân sự cùng nhiều vật dụng khác lên các máy bay vận tải”. Nhưng một số khí tài quân sự quan trọng vẫn ở lại. Theo một quan chức cấp cao của Nga, Moscow có ý định để lại các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tại Syria.
Điều này có nghĩa là Nga vẫn tiếp tục kiểm soát vùng không phận Syria và có thể ngăn chặn các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út và thậm chí là Mỹ thành lập một vùng cấm bay tại một số khu vực trong lãnh thổ Syria.
“Chúng tôi sẽ không mất cảnh giác”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời giới báo chí. “Chúng tôi sẽ xem xét đẩy mạnh cuộc chiến. Nhưng hiện tại chúng tôi không cần đến phương án mà chúng tôi đang thực hiện”. Ngoài các loại vũ khí quan trọng, các cố vấn quân sự của Nga đang hợp tác với quân đội chính phủ Syria cũng sẽ ở lại quốc gia này.
Hoạt động triển khai không quân để hỗ trợ lực lượng Assad đã giúp quân chính phủ giành lại được một vùng lãnh thổ lớn, xóa bỏ khả năng Tổng thống Syria bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và xây dựng vị thế cho chính quyền Assad. Không chỉ có vậy, chiến dịch quân sự này đã giúp Nga đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, buộc Mỹ và các nước phương Tây phải đàm phán với họ để lập nên thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia này.
Dù vậy, ông Putin luôn phát biểu rằng chiến dịch quân sự được tiến hành một cách có chừng mực, và ông tin rằng Nga đã đạt được mục đích chính của hoạt động này sau 6 tháng không kích. Đơn cử là lệnh ngừng bắn đã mang đến tình trạng hòa bình đối với quốc gia đã hứng chịu hậu quả chiến tranh lâu dài.
Hoạt động rút quân khỏi Syria cũng được coi là nhằm gây sức ép đối với chính phủ Syria để đạt được thỏa thuận hòa bình tại Geneva, cho dù Nga vẫn có khả năng can thiệp quân sự trở lại nếu cần thiết.
|
Một phi công Nga đang chuẩn bị rời Syria để trở về Nga |
Đặc phái viên cấp cao của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã lên tiếng khen ngợi Nga và coi đây “là một bước tiến quan trọng mà chúng tôi hy vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với diễn tiến của cuộc đàm phán tại Geneva”. Tại trung tâm thủ đô Damascus, người dân đi lại trên phố một cách bình thường và niềm tin về hòa bình đã bắt đầu trở lại sau khi Nga can thiệp quân sự.
Trong khi đó, truyền thông Syria có ý nói giảm nhẹ về quyết định rút quân của Nga. Hãng truyền hình quốc gia Syria nhấn mạnh rằng Nga đã thông báo về động thái này chó chính phủ Syria. Các quan chức nước này cũng có những biện pháp trấn an cụ thể.
“Tôi đảm bảo rằng chiến dịch chống khủng bố vẫn sẽ tiếp tục một cách nghiêm túc và triệt để”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Syria Omran al-Zoubi phát biểu trên truyền hình. “Nga có quan hệ rất tốt với Syria và Syria cũng là đối tác quan trọng của Nga”.
Tuy vậy, đồng minh của chính phủ Assad cho biết quyết định của Nga đã khiến họ rất bất ngờ. Động thái rút quân của Nga “là một cú sốc lớn”, một thủ lĩnh giấu tên của Hezbollah, lực lượng vũ trang Lebanon đã đưa quân hỗ trợ Assad cho biết. “Chúng tôi sẽ phải chờ xem ý định thực sự của Nga là gì, bởi chúng tôi lo ngại rằng Hezbollah có thể sẽ gặp bất lợi sau này”.
Trong khi đó, nhiều thành phần khủng bố dường như đang sẵn sàng lợi dụng tình hình. Một chỉ huy của tổ chức Mặt trận Nusra, một phân nhánh của al-Qaeda, nói rằng lực lượng này đang chuẩn bị một cuộc tấn công “trong vòng 48 giờ tới”.
Video chiến đấu cơ Nga rời Syria trở về nước (Nguồn RT):