|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp với giới tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
|
Mặc dù các chuyên gia từng cảnh báo rằng chính sách này sẽ không có tác dụng, nhưng chính quyền Obama vẫn bỏ ngoài tai. Rốt cuộc, “chiến lược kiên nhẫn” đã phản tác dụng và cách hành xử của Bình Nhưỡng còn tệ hơn bao giờ hết và các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến triển.
Rõ ràng chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã dựa trên 5 “ngộ nhận chết người” và đó là:
1. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên là “điên rồ”
Những người nước ngoài từng có dịp tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-il đều thừa nhận rằng ông tỏ ra rất tự tin, hiểu biết và kín đáo lạnh lùng nhưng không hề điên rồ như phương Tây nhầm tưởng. Có lẽ ông đã di truyền những tố chất này cho con trai Kim Jong-un. Ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman từng nói rằng Kim Jong-un là một người đàn ông, hoàn toàn bình thường như hàng triệu những người đàn ông bình thường khác.
Nếu Kim Jong-un theo gương cha và ông nội, chính sách đối ngoại của ông sẽ dựa trên những lợi ích thực dụng, chứ không hề dựa trên những hành động điên rồ.
Ngay cả khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ, hành vi này là có thể đoán trước được. Trước các cuộc tập trận có ý đồ xâm lược của Mỹ và Hàn Quốc, hành động hợp lý nhất đối với Bình Nhưỡng là “tấn công để phòng thủ”.
2. Triều Tiên là một “quốc gia thất bại”
Nhận định rằng Bình Nhưỡng đang rất cần viện trợ kinh tế từ thế giới bên ngoài và cách duy nhất để có được viện trợ là Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đó quả là hoàn toàn sai lầm.
Trong những năm 1990, Triều Tiên đã thiếu chút nữa đã trở thành “một quốc gia thất bại” với tình trạng dân chúng bị chết đói hàng loạt. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn đó. Nền kinh tế Triều Tiên đã ổn định trở lại và thậm chí còn được cải thiện. Bất chấp các biện pháp trừng phạt, quan hệ buôn bán của Triều Tiên đã mở rộng đáng kể - không chỉ với Trung Quốc mà còn với Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi, châu Âu… thậm chí còn thặng dư mậu dịch trong năm 2011. Tuy không thể so sánh với các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, nhưng Triều Tiên không hề thua kém một số nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
3. Triều Tiên là một “vương quốc biệt lập”
Mỹ có thể không có quan hệ với Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là nước này hoàntoàn khép kín đối với thế giới bên ngoài. Triều tiên đã gửi hàng trăm học sinh sinh viên đi du học ở nước ngoài. Hàng nghìn lao động Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc, Mông Cổ (nơi họ sản xuất hàng hoá cho các thương hiệu quần áo nổi tiếng của Anh), ở Kuwait (nơi họ làm việc trong các dự án xây dựng) và ở Nga (nơi họ khai thác gỗ). Một công ty xây dựng của Bắc Triều Tiên hiện đang hoàn thành một bảo tàng gần ngôi chùa Angkor nổi tiếng ở Campuchia. Lĩnh vực công nghệ thông tin của Triều Tiên khá phát triển và từng gia công phần mềm cho các nước khác, thậm chí cả phần mềm ứng dụng cho iPhone.
4. Triều Tiên bội ước
Trên thực tế, đôi khi Triều Tiên bội ước và đôi khi không. Thỏa thuận hạt nhân đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên sụp đổ vào năm 2002 sau tám năm có hiệu lực, nhưng Bình Nhưỡng đã đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân có thể sản xuất tới 100 quả bom nguyên tử.
Một thỏa thuận hạt nhân do Trung Quốc môi giới vào năm 2005 yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, sau khi chính quyền Bush áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Triều Tiên, khi mực ký vào thỏa thuận đó vẫn còn chưa khô. Thỏa thuân nữa giữa Mỹ và Triều Tiên vào năm 2012 cũng đã sụp đổ, khi Bình Nhưỡng nói rằng nước này có quyền phóng tên lửa mang vệ tinh vào vũ trụ.
5. Trung Quốc có thể chi phối Triều Tiên
Giả thuyết cho Bắc Kinh có thể chi phối Bình Nhưỡng vì mối quan hệ mật thiết là thiếu cơ sở thực tế. Có những giới hạn về những gì Trung Quốc có thể và không thể làm. Có ảnh hưởng là một chuyện, nhưng biến Triều Tiên thành bù nhìn lại hoàn toàn là chuyện khác. Giữa Trung Quốc và Triều Tiên vốn có hàng trăm năm lịch sử đối đầu và nhiều thập kỷ kinh doanh với một người hàng xóm khổng lồ đã dạy cho Triều Tiên khá nhiều bài học cay đắng.
Hơn nữa, Bắc Kinh có thể không hài lòng với cách hành xử của Bình Nhưỡng, nhưng lại không thể ném Triều Tiên vào miệng những thế lực mà họ cũng cho là lang sói.
Đó là chưa kể tại sao Bắc Kinh lại phải giúp Washington, khi Mỹ luôn tìm cách kiềm chế và bao vây Trung Quốc? Câu hỏi này đụng chạm đến cốt lõi của quan hệ Trung-Mỹ “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh”.
Thực ra, cả hai nước đều không muốn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân hoặc đe dọa các nước láng giềng. Nhưng hai bên lại có những lợi ích khác nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau, trong việc ngăn cản chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Người ta có thể nói rằng cuộc nói chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên là cuộc nói chuyện của hai gã điếc. Washington kêu gọi Bắc Kinh trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã hành động sai trái, trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc với Triều Tiên.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: