Nhà phân tích chính trị Mỹ Keith Preston chia sẻ rằng, Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện một chính sách ngoại giao về Biển Đông khá đối lập nhau. Cụ thể, Washington đi theo hướng tiếp cận toàn cầu hóa, còn Bắc Kinh duy trì cách tiếp cận chính sách ngoại giao có phần cô lập.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Press TV, chuyên gia chính trị kiêm Tổng biên tập AttacktheSystem.com Preston chỉ ra, Washington và Bắc Kinh đã chia sẻ thẳng thắn một số quan điểm về vấn đề trên.
|
Máy bay quân sự Philippines chụp công trường hoạt động bồi lắp phi pháp của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
“Trung Quốc và Mỹ dường như đang đối lập nhau trong chính sách ngoại giao về vấn đề Biển Đông. Mỹ có cách tiếp cận theo lối toàn cầu hóa, quốc tế hóa”, nhà phân tích Preston nhấn mạnh và bình luận về những phát biểu chính thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đối với hoạt động bồi đắp phi pháp mà Trung Quốc làm ở Biển Đông.
Cụ thể, phát biểu tại diễn đàn ASEAN ở Thủ đô Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Kerry thẳng thắn lên tiếng phản đối những hạn chế đi lại trên không và trên biển ở Biển Đông.
Dẫu rằng, các đại diện Bắc Kinh như Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Đô đốc Wu Shengli hay người đứng đầu Ủy ban Cố vấn Thông tin Hải quân Trung Quốc Đô đốc Yin Zhuo ra sức biện bạch cho hoạt động trái phép này, nhưng Washington tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh hành động “vượt ra khỏi quy định và chuẩn mực quốc tế”.
“Đó là một xung đột giữa mục tiêu chính sách đối ngoại của hai nước”, ông Preston nói. Cụ thể, Mỹ theo đuổi một cách tiếp cận toàn cầu hóa và quốc tế hóa trong khi Trung Quốc lại khá cô lập trong chính sách ngoại giao và đặc biệt quan tâm tới các lợi ích khu vực.
Mặc dù còn nhiều bất đồng được cho là khá sâu sắc về vấn đề Biển Đông song các nước vẫn phụ thuộc vào nhau nhiều.
“Nhiều doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào lao động Trung Quốc. Đổi lại, nhiều hàng hóa bán trên đất Mỹ được nhập từ Trung Quốc”, chuyên gia phân tích chỉ ra và nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp Trung Quốc cũng “rất phụ thuộc vào Mỹ vì quốc gia Bắc Mỹ này là thị trường nhập khẩu chính của họ”.