Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Đặc sứ Joseph Yun đi thăm Myanmar và Singapore từ ngày 11 đến 18/7. Theo các nhà phân tích, chuyến đi này được xem như một chiến thuật quan trọng từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm nguồn thu của Triều Tiên, mặc dù khá ít ỏi.
|
Đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ, ông Joseph Yun (phải), trả lời báo chí tại Nhật Bản hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
|
"Đó là nhiệm vụ không mấy dễ dàng đối với ông Yun", đài CNN nhận định. Hai quốc gia mà ông Yun đến, một được cho là nơi có các công ty giúp Triều Tiên né tránh lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và một là bạn hàng mua vũ khí truyền thống của Bình Nhưỡng.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của ông Joseph Yun là Singapore để thảo luận tại cuộc Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á, một diễn đàn đa phương về các vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, một lý do khác khiến Đặc sứ Joseph Yun tới Singapore là nhằm thuyết phục nước này ngừng giao thương với Triều Tiên. Các doanh nghiệp ở Singapore từng bị cáo buộc đã giúp đỡ Triều Tiên né tránh lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong những năm gần đây.
Sau chuyến thăm Singapore, ông Yun lại tiếp tục hành trình tới Myanmar. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đặc sứ Yun khi đến Myanmar là cố gắng thuyết phục bạn hàng mua vũ khí lâu năm của Bình Nhưỡng cùng Mỹ trong nỗ lực ngăn cản chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên, theo CNN.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, trước năm 2015 - thời điểm diễn ra cuộc bầu cử dân chủ đưa đảng của bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền, Myanmar là nhà nhập khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng hàng đầu của Triều Tiên. Đây chính là một trong những nguồn tiền giúp chính quyền của ông Kim Jong-un phát triển các chương trình tên-lửa hạt nhân.
Với chuyến đi Singapore và Myanmar của ông Yun, Washington được cho là muốn ngầm tuyên bố với Triều Tiên rằng Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, nơi mà hoạt động bất hợp pháp của Bình Nhưỡng đã bị theo dõi trong những năm qua.
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.
|
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump
ngày càng thể hiện thái độ cứng rắn đối với những công ty, cá nhân nước ngoài dính líu tới chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên.
Ông Anthony Ruggiero, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng việc thuyết phục được Myanmar đứng về phía Mỹ không phải là chuyện một sớm một chiều.
"Muốn làm ăn bằng đồng đô la Mỹ hay bắt tay với Triều Tiên?", là sự lựa chọn mà chính quyền Washington đặt ra đối với các quốc gia, ngân hàng và những công ty nghi dính líu tới Bình Nhưỡng, ông Ruggiero cho biết.
Giới quan sát nhận định cho dù chuyến công du của ông Yun có thể giúp Mỹ cắt giảm nguồn ngoại tệ của Triều Tiên đến từ Myanmar, Singapore hay không thì Bình Nhưỡng vẫn còn có Trung Quốc để “bám víu”.
Theo Liên Hợp Quốc,Trung Quốc chiếm 85% giá trị hàng hóa nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2015. “Chắc chắn Triều Tiên có thể nhận được hàng tỷ đô la từ Trung Quốc song chẳng có gì sai khi chúng ta tập trung ngăn chặn hàng triệu đô đến từ Đông Nam Á”, ông Ruggiero nhận định.