Mỹ lo hệ quả chiến lược của tên lửa Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Theo chuyên gia Nga Vasily Kashin, Mỹ lo ngại tiềm lực tên lửa của Trung Quốc gia tăng sẽ dẫn tới những tác động và hệ quả chiến lược sâu rộng.

Chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga nhận định rằng sự tăng cường tiềm lực tên lửa Trung Quốc sẽ dẫn tới những hệ quả chiến lược.
My lo he qua chien luoc cua ten lua Trung Quoc
 Tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18: Một mục tiêu không dễ đối phó của các chiến hạm Mỹ.
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ đã lưu ý đến sự xuất hiện của tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18 trên các tàu khu trục lớp 052D và tàu ngầm Hải quân Trung Quốc.
Khả năng sở hữu hệ thống dẫn mục tiêu an toàn, chống nhiễu đáng tin cậy của tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18  cho thấy Hải quân Trung Quốc nắm trong tay phương tiện chống hạm hiệu quả, một mục tiêu đối phó không đơn giản của các chiến hạm Mỹ. Việc bảo vệ cụm tàu nổi trước sự tấn công của hàng loạt tên lửa hành trình siêu thanh bay thấp sẽ là nhiệm vụ gần như “nhiệm vụ bất khả thi”.  
Tình trạng này vẫn còn tiếp tục cho tới khi xuất hiện giải pháp cách mạng trong lĩnh vực phòng không trên hạm ví dụ như vũ khí laser. Tuy nhiên, một bước nhảy vọt như vậy khó thể xảy ra trong vòng 15 năm tới.
Do khó đánh chặn các tên lửa, cách đối phó thực tế duy nhất là tiêu diệt phương tiện mang trước khi chúng tiếp cận phạm vi bắn. Chính điều này lý giải cho những thay đổi đang diễn ra trong cán cân lực lượng ở tây Thái Bình Dương. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động sản xuất tàu nổi và tàu ngầm, có không dưới 10 khu trục hạm 052D sẽ được đóng. Nhiều tàu khác của Trung Quốc cũng là phương tiện hiệu quả mang các tên lửa chống hạm mạnh và hiện đại. Ngoài ra, tàu ngầm phi hạt nhân của Trung Quốc ngày nay không còn là các mục tiêu dễ bị tấn công như 10-15 năm trước.
Theo chuyên gia Vasily Kashin, ưu thế của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh trước hạm đội Trung Quốc đang bị thu hẹp cũng như hiệu quả phòng vệ của hạm đội Mỹ sụt giảm sẽ dẫn đến những hệ quả chiến lược và chính trị toàn cầu rõ rệt. Để duy trì cán cân quyền lực trong khu vực và khả năng kiềm chế Trung Quốc, Mỹ buộc phải đẩy mạnh hơn sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang nghiên cứu những phương án phá hoại sự triển khai quân bổ sung của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh có thể huy động tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để vô hiệu hóa các sân bay, đầu mối giao thông, trung tâm hậu cần, kết hợp tấn công mạng vào cơ sở giao thông vận tải của đối phương.
Để giảm thiểu đe dọa, người Mỹ sẽ phải xử lý những nhiệm vụ phức tạp về phòng không và phòng thủ tên lửa cho cơ sở hạ tầng trọng yếu. Điều này keo theo những gia tăng quân số không tránh khỏi của Mỹ ở khu vực. Nỗ lực san sẻ bớt trách nhiệm sang các đồng minh chỉ đem lại kết quả hạn chế. Khả năng tăng cường chi phí quân sự của Nhật Bản không lớn. Hàn Quốc thì ngày càng tỏ rõ việc họ theo đuổi chính sách lựa chiều giữa Mỹ và Trung Quốc. Năng lực tài chính, kỹ thuật và tổ chức của các đối tác còn lại trong khu vực đều không đáng kể.
Do đó, chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ ngày càng là gánh nặng đối với nước Mỹ. Vài năm tới, Mỹ sẽ buộc phải thực hiện sự lựa chọn nan giải và phải xác định hiện diện ở khu vực nào cần được ưu tiên hàng đầu.
Minh Châu (Theo Sputnik)

>> xem thêm

Bình luận(0)