Báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 31/7 đưa tin các cơ quan quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã có kế hoạch cung cấp tên lửa chống tăng Ukraine. Các loại vũ khí gọi là “phòng thủ” này có thể bao gồm tên lửa chống tăng vác vai Javelin, vũ khí phòng không và nhiều loại vũ khí cao cấp khác.
|
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bắt tay Ngoại trưởng Mỹ tại Kiev, ngày 9 tháng 7 năm 2017. Ảnh: REUTERS |
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ kế hoạch Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine này và hiện đang chờ đợi sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump. Các quan chức Mỹ nói với WSJ rằng cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump có thể mất đến vài tháng.
Phát biểu với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Leonid Ivashov lưu ý "việc cung cấp tên lửa chống tăng cho quân đội Ukraine là một dự án đã được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua và được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain thúc đẩy. Ông Ivashov chỉ ra rằng "việc cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine có thể được theo sau bằng việc cung cấp các loại vũ khí gây chết người khác”.
Đồng thời, chuyên gia Ivashov nói rằng vũ khí của Mỹ chỉ là một phần nhỏ trong quá trình nâng cấp và mở rộng khả năng tác chiến của Quân đội Ukraine. Ông cho biết thêm: “Hiện thời, Kiev đang phát triển các tổ hợp quân sự và công nghiệp, thường xuyên cung cấp xe bọc thép, xe tăng và máy bay trực thăng cho quân đội Ukraine”.
Ông Thierry Mariani, một thành viên của Đảng Cộng hòa trung hữu của Pháp, nói với Sputnik hôm 1/8 rằng kế hoạch cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine là "cực kỳ nguy hiểm" và Tổng thống Poroshenko có thể sử dụng vũ khí này để tiến hành một cuộc chiến tranh mới ở Donbass để nâng cao uy tín trong thời gian chạy đua bầu cử tổng thống. Ông nói: “Liên quan đến Ukraine, chúng ta phải nhớ rằng cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và triển vọng của Tổng thống Poroshenko là không mấy sáng sủa. Do đó, Tổng thống Poroshenko – vốn thất bại trong cải cách kinh tế và chống tham nhũng - sẽ cố gắng sử dụng một cuộc chiến tranh mới (ở miền đông Ukraine) để giành chiến thắng trong bầu cử. Tôi sợ rằng chúng ta có thể phải chứng kiến một cuộc chiến tranh mới ở Donbass vào năm tới. Trong bối cảnh này, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine là rất nguy hiểm".
Trước đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã gọi việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ucraine là rất nguy hiểm và phản tác dụng đối với việc ra khỏi cuộc khủng hoảng ở nước này.
Chủ tịch Hội đồng Quân sự NATO Peter Pavel nói rằng ông thấy không cần thiết phải cung cấp các vũ khí nguy hiểm cho Kiev bởi vì nó "sẽ chỉ làm gia tăng sự đau khổ của người dân".
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc Mỹ cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine, nhấn mạnh rằng làm như vậy sẽ chỉ làm leo thang cuộc xung đột gây chết người ở Donbass.