Moscow-London-Washington bàn cách chống khủng bố

Google News

(Kiến Thức) - Liệu có nơi nào đó không tồn tại nguy cơ tấn công khủng bố? Hay nhân loại cam chịu sống trong nỗi sợ hãi thường trực hàng ngày?

 Cầu truyền hình Moscow-London-Washington với chủ đề chống khủng bố.

Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, đài "Tiếng nói nước Nga" đã mở hội nghị đặc biệt: cầu truyền hình Moscow-London-Washington. Tham dự cầu truyền hình ngày 18/4 là các chuyên gia chống khủng bố, các nhà tâm lý học, khoa học chính trị và cả những người từng là nạn nhân của khủng bố.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh những dấu vết nóng hổi của bi kịch marathon Boston ngày 15/4, khiến cho 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương.

Moscow, London và Washington đều hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Ở Washington là ngày 11/9/2001. London đã sống qua mùa hè 2005 với tiếng bom nổ đánh vào đường tàu điện ngầm làm 52 người thiệt mạng. Tại Moscow vào mùa thu 2002 là cuộc tấn công khủng bố trên phố Dubrovka (khi bọn khủng bố đã bắt hơn 700 người làm con tin) khiến cho 130 người thiệt mạng. Các nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố đều cho rằng học cách sống với chấn thương tâm lý là chuyện rất khó, nhưng có thể làm được. Tham gia hội nghị truyền hình, Jaqui Putnam kể rằng chị đã mất hai năm ròng điều trị sau vụ nổ trên tàu điện ngầm London. Chị nói: “Bạn sẽ không bao giờ còn là con người lúc trước. Bạn sẽ thành người khác. Nhưng như vậy không có nghĩa là cuộc sống đã kết thúc mà vẫn tiếp tục”.

Cầu truyền hình này diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc chạy thi marathon quốc tế ở London. Cuộc chạy thi sẽ được tiến hành vào ngày 21/4/2013, với sự tham gia của khoảng 40.000 người. Ban tổ chức đã công bố không hủy bỏ sự kiện này.

Chuyên gia chống khủng bố David Lowe của Đại học Tổng hợp Liverpool cho rằng quyết định nói trên là hoàn toàn đúng đắn, bởi không nên để cho bọn khủng bố tác oai tác quái. Theo quan điểm của ông, một trong những phương thức quan trọng nhất để tăng cường cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố là trao đổi thông tin tình báo. Ông nói: “Chia sẻ thông tin tình báo là điều cực kỳ hệ trọng. Từ năm 2005, trong lĩnh vực này đã có những biến chuyển đáng kể theo chiều hướng tốt hơn. Tại EU, vai trò của Europol trong đấu tranh cống khủng bố đã được củng cố mạnh mẽ sau vụ tấn công khủng bố vào ga xe lửa Madrid năm 2004 và sau vụ London năm 2005. Bây giờ Europol phát hành những thông cáo đặc biệt về đấu tranh chống khủng bố. Cơ quan này cũng điều phối sự hợp tác của lực lượng an ninh Anh, Đức và Pháp”.

Nga có những kinh nghiệm riêng của mình trong hoạt động chống khủng bố. Nhưng mặc dù đã làm được rất nhiều việc, đáng tiếc thay, vẫn chưa trừ diệt được tận cùng nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố. Ông Aleksei Malashenko đại diện của Trung tâm Carnegie Matxcơva nói: “Ở Nga có điều đáng buồn là chủ nghĩa khủng bố lại là một phần của bối cảnh chính trị. Như vậy thật đáng sợ, nhưng khốn nỗi đó là một thực tế. Để cứu cuộc sống con người, để loại bỏ mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố, điều hết sức quan trọng là hiểu được động cơ của bọn khủng bố, nắm bắt được diễn biến tâm lý-tư tưởng của chúng. Nếu không, chúng ta sẽ không vượt qua được mối đe dọa này”.

Những người tham dự cuộc tranh luận do Đài "Tiếng nói nước Nga" tổ chức đã đi đến nhận định chung là xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa tấn công khủng bố ở các đô thị khác nhau trên thế giới là chuyện bất khả thi. Người ta chỉ có thể cố gắng giảm số lượng các vụ khủng bố cũng như giảm thiểu hậu quả của các vụ tấn công này.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)