Mổ xẻ thỏa thuận Trung Quốc-Philipines đồng khai thác Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Cơ hội trước mắt của thỏa thuận Trung Quốc-Philippines đồng khai thác Biển Đông tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong những ngày qua, cả Manila lẫn Bắc Kinh đều ca ngợi lợi ích của thỏa thuận Trung Quốc-Philippines đồng khai thác Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24/7/2017 hết sức lạc quan trước trước những lợi ích trông thấy, một quan điểm được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ghé thăm Manila hoàn toàn tán đồng.
Vach tran thoa thuan Trung Quoc-Philipines dong khai thac Bien Dong
Tổng thống Duterte chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài khi ca ngợi lợi ích của việc đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc. (Nguồn: ABS-CBN News) 
Trong bài phân tích đăng trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 27/7, nhà phân tích Prashanth Parameswaran cho rằng đối với Philippines, đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là công việc đầy rủi ro.
Thỏa thuận đồng khai thác Biển Đông trước đây thất bại thảm hại
Theo nhà phân tích Prashanth Parameswaran, thỏa thuận Trung Quốc-Philippines đồng khai thác Biển Đông đã được thử nghiệm trước đây và kết quả thật thảm khốc.
Dưới thời cựu Tổng thống Philippine Gloria Macapagal-Arroyo, Công ty Dầu Quốc gia Philippine (PNOC) và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ký kết Thỏa thuận cùng khảo sát địa chấn ngoài biển (JSMU) vào năm 2005. Đề án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ vào năm 2008 sau khi chính quyền của bà Arroyo bị cáo buộc bán đứng quyền lợi quốc gia để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ. Đề án này đã dẫn đến một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Philippines.
Sau khi JSMU sụp đổ, Philippines đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty nước ngoài khác để giúp nước này thăm dò và khai thác các tài nguyên dầu khí, một phần do Trung Quốc không chỉ gây áp lực ngoại giao mà còn ra sức đe dọa các tập đoàn nước ngoài, đồng thời cho tàu tuần tra hù dọa và cản trở các tàu khảo sát làm việc cho Philippines. Trong phán quyết vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) chỉ rõ Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines bằng cách ngăn không cho Manila khai thác tài nguyên tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ bất chấp việc khu vực này nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Philippines.
Theo Hiến pháp Philippines, bất kỳ thoả thuận chính thức nào về chia sẻ tài nguyên hay hợp đồng thăm dò chung trong các khu vực thuộc EEZ của Philipines như vùng biển Bãi Cỏ Rong giàu tài nguyên là trái với luật pháp Philippines.
Lợi bất cập hại
Ngoài sự kiện lịch sử đắng cay này, bối cảnh hiện tại cũng không thuận lợi. Bởi vì quá lạc quan về mối quan hệ Trung Quốc-Philippines và không có nhiều thông tin, chính phủ Duterte đã trở nên dễ bị tổn thương vì cáo buộc không đạt được thỏa thuận tốt nhất mà Manila có thể có được từ Bắc Kinh.
Chính quyền Duterte luôn nhấn mạnh đến lợi ích của việc đồng khai thác Biển Đông, nêu bật một số điểm như ngư dân Philippines đã được đến đánh bắt tại khu vực bãi cạn Scarborough và Trung Quốc cam kết không xây dựng gì trên bãi mà họ đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Những lợi ích đó quá nhỏ nhoi so với những nhượng bộ đáng kể mà Manila đã phải chịu, trong đó có việc gác qua một bên Phán quyết PCA về Biển Đông hết sức có lợi cho Philippines, cũng như chiều lòng Trung Quốc để ra một tuyên bố chung yếu ớt trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN hồi tháng 4/2017.
Nếu Tổng thống Duterte thúc đẩy việc cùng khai thác Biển Đông với Trung Quốc trong nhiệm kỳ 6 năm duy nhất của ông, nguy cơ là làn sóng chỉ trích trong nước đối với việc không bảo vệ chủ quyền quốc gia sẽ chỉ tăng lên và đó có thể là một nhược điểm để các đối thủ triệt để khai thác. Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm của ông Duterte vẫn còn cao, nhưng nhiều đời tổng thống Philippines thường đã bị xuống dốc không phanh theo thời gian.
Những rủi ro trong tương lai
Rủi ro cũng tiềm ẩn trong tương lai gần, nhất là khi mà cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm gần đây cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng xóa bỏ mọi thỏa thuận và dùng đến biện pháp cưỡng chế thô bạo để đạt mục tiêu. Đối với Philippines, Trung Quốc cho đến giờ vẫn chính thức cho rằng sở dĩ kế hoạch đồng khai thác hồi năm 2005 thất bại là vì Manila thiếu sẵn sàng, chứ không hề nói gì về các hành động cưỡng chế bất hợp pháp của Bắc Kinh sau đó.
Mô hình hành vi của Trung Quốc trong vài năm gần đây ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh có xu hướng hiệu chỉnh chính sách quyết đoán với những khoảng thời gian quyến rũ và cưỡng bức luân phiên, tính đến các yếu tố khác nhau từ tình hình nội bộ đến mức độ bị đẩy lùi trong khu vực.
Có nguy cơ Trung Quốc nhanh chóng quay trở lại chế độ cưỡng bức, có thể sau Đại hội Đảng lần thứ 19 vào cuối năm nay hoặc, như Bắc Kinh đôi khi đã làm, để phản ứng lại với “sự khiêu khích” của các bên khác.
Nếu vì một lý do nào đó mà Philippines không thực hiện thỏa thuận đồng khai thác với Trung Quốc, Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng biện pháp quân sự gây áp lực đối với Manila, trực tiếp tại khu vực đồng khai thác hoặc gián tiếp với các hành động quyết đoán khác như xây dựng cơ sở trên bãi cạn Scarborough hoặc tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Với việc chính phủ của Tổng thống Duterte ngày càng phụ thuộc vào quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế kinh tế. Trung Quốc vốn có truyền thống áp dụng các biện pháp cưỡng ép trong tranh chấp, bất kể đó là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản trong năm 2010, những hạn chế đối với nhập khẩu chuối Philippines vào năm 2012 hay thậm chí là những cuộc trả thù về kinh tế đối với Hàn Quốc trong thời gian gần đây vì cái “tội” triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này.
Đối với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác, Trung Quốc cũng đưa ra chiêu bài “gác tranh chấp, đồng khai thác”. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và đề nghị đồng khai thác chỉ là một sách lược nhằm thực hiện tham vọng đó.
Theo giới phân tích, đồng khai thác chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp khai thác vùng chồng chéo giữa các vùng đặc quyền kinh tế của hai nước, nhưng không thể nào áp dụng trong trường hợp Trung Quốc  khoanh một vùng rất lớn ăn sâu vào thềm lục địa của các nước khác, tự nhận chủ quyền rồi đòi đồng khai thác những vùng nằm trong EEZ của các nước láng giềng.
Minh Châu (Theo The Diplomat)

>> xem thêm

Bình luận(0)