Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ vì Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt qua “vạch đỏ” ở Biển Đông. Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ  vì chuyện này?

Giáo sư Hugh White, nhà nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, đặt câu hỏi: Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự lớn trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines, tuyên bố thiết lập ADIZ trên quần đảo Trường Sa hoặc tiến hành các biện pháp tăng cường thâu tóm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và lợi ích của Mỹ?
Lieu co xay ra chien tranh Trung-My vi Bien Dong?
Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ vì Biển Đông?  Minh họa OOV
Câu hỏi “Liệu có xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ vì Biển Đông?” đã được đặt ra bởi vì trong mấy tháng qua, Washington đã cảnh báo, bằng lời nói và hành động, rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang để ngăn chặn Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông. Đó chính là thông điệp của việc Mỹ triển khai hai nhóm tàu sân bay tấn công ở Biển Đông, của các chuyến thăm cấp cao và phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc đưa ra cảnh báo loại này là một bước đi rất nghiêm trọng. Điều gì có thể nghiêm trọng hơn đối với một Tổng thống Mỹ hiện nay bằng việc quyết định liệu có đánh nhau với Trung Quốc hay không?
Vậy thì, những động thái gần đây của Mỹ có phải là cảnh báo nghiêm khắc hay chỉ là một chiêu trò?
Hầu hết mọi người ở Washington dường như cho rằng sẽ không xảy ra chiến tranh bởi vì Trung Quốc sẽ không bao giờ dám chống lại Mỹ. Họ cứ cho rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn thoái bộ, trước khi Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về việc chiến đấu hay không.
Nhưng người Mỹ có thể là sai lầm. Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc, đe dọa sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ sự can thiệp nào vào cái gọi là “yêu sách” của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó cho thấy rằng Bắc Kinh cũng giả định rằng Mỹ sẽ lùi bước cũng giống như người Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ thoái bộ.
Không ai nên ngạc nhiên rằng Trung Quốc có thể nghĩ theo cách này. Và tất nhiên cuối cùng là Trung Quốc tin rằng quyền lợi sát sườn (thậm chí Bắc Kinh còn gọi là “lợi ích cốt lõi” như Đài Loan và Tây Tạng) của nước này lớn hơn nhiều so với lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.
Điều quan trọng là phải làm rõ bản chất của vấn đề. Sự đối đầu Trung-Mỹ không phải chỉ liên quan đến các bãi đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông hoặc thậm chí về nguyên tắc rộng lớncủa luật biển quốc tế. Đây chỉ là những cái cớ mà hai bên đang sử dụng trong một cuộc đấu sâu xa hơn về tương lai của trật tự khu vực và vai trò của mỗi nước ở Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ muốn duy trì sức mạnh chiến lược hàng đầu ở Châu Á, trong Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở khu vực này.
Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình không chấp nhận trật tự khu vực do Mỹ chi phối. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn xây dựng một trật tự mới ở Châu Á, dựa trên những gì mà Tập Cận Bình gọi là "mô hình mới trong quan hệ giữa các cường quốc vĩ đại". Cả hai bên đều đã chọn tranh chấp hàng hải ở Biển Đông để thúc đẩy vị trí của mình. Cách ứng xử quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ hiển thị sức mạnh và khả năng của Trung Quốc cũng như để thách thức địa vị của Mỹ trong khu vực. Về phần mình. Washington đã sử dụng cách ứng xử “ỷ lớn hiếp nhỏ” của Bắc Kinh để vạch trần tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, thiết lập một liên minh khu vực để chống lại tham vọng này và gần đây nhất để vẽ một "vạch đỏ” để cảnh báo Bắc Kinh không được vượt qua.
Nhưng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình nhận thấy rằng những “cảnh báo nghiêm khắc” của Washington chỉ là “thùng rỗng kêu to”, ông sẽ bị cám dỗ để tiến hành một hành động công khai khiêu khích như bồi đắp và xây dựng một căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines.
Nếu Trung Quốc vượt qua “vạch đỏ” của Mỹ và vẫn xây dựng căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough, thì Washington sẽ làm gì sau đó?
Bước đầu tiên là Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao như đình chỉ đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và hủy bỏ các vòng tiếp theo của Đối thoại Kinh tế và Chiến lược. Nhưng không có lại mong đợi Trung Quốc lùi bước trước áp lực yếu ớt như vậy.
Vì vậy, Mỹ sẽ phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Người ta có thể hình dung ra cảnh tượng trong Phòng tình huống ở Nhà Trắng. Các cố vấn ngoại giao và chiến lược nhắc nhở Tổng thống Obama rằng điều này không chỉ liên quan đến các đảo, vùng biển của nước khác mà đụng chạm đến uy tín và tương lai lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á. Việc Mỹ nhượng bộ cho phép Trung Quốc bất chấp cảnh báo của Washington sẽ làm suy yếu toàn bộ vị thế của Mỹ ở Châu Á và tăng cường vị thế của Trung Quốc. Do đó, cái giá phải trả là rất lớn và hành động quân sự là cần thiết.
Nhưng các cố vấn quân sự lại cảnh báo quyết định chiến tranh với Trung Quốc sẽ là vô cùng nguy hiểm và rất tốn kém. Mỹ có rất ít cơ hội giành chiến thắng nhanh chóng và ít bị tổn thất. Mỹ sẽ mất số lượng lớn tàu chiến và chiến đấu cơ. Các đồng minh của Mỹ như Australia, và thậm chí cả Nhật Bản, sẽ do dự, không muốn tham chiến. Không ai có thể nói trước kết cục của cuộc chiến Mỹ-trung sẽ như thế nào. Và không một ai có thể hoàn toàn chắc chắn rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc trước khi nó chuyển thành một cuộc chiến sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sau đó, các cố vấn kinh tế sẽ rung hồi chuông cảnh báo rằng hậu quả kinh tế toàn cầu của sự gián đoạn ngắn ngủi trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc sẽ là khôn lường và tồi tệ gấp bội cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và các cố vấn chính trị sẽ phải tự hỏi: Làm thế nào để thuyết phục các cử tri Mỹ.
Xét đến tất cả những cân nhắc nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng đánh nhau với Trung Quốc để bảo tồn sự thống trị của nước này ở Châu Á?
Liệu sự thống trị đó có rất quan trọng đến mức đủ để biện minh cho những chi phí khổng lồ mà một cuộc chiến tranh với Trung Quốc sẽ gây ra và đe dọa nghiêm trọng an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ?
Đây là những câu hỏi mà chính quyền Mỹ phải có câu trả lời rất khẩn trương.
Giáo sư Hugh White cho rằng chính quyền Mỹ sẽ phải rất thận trọng về việc đưa ra cảnh báo Trung Quốc về việc sẵn sàng sử dụng vũ lực liên quan đến các sự kiện ở Biển Đông. Nếu nước Mỹ chưa sẵn sàng đi đến chiến tranh với Trung Quốc, Washington phải bớt dùng những ngôn từ “đao to búa lớn”. Và nếu có quyết tâm, Mỹ sẽ phải chứng tỏ quyết tâm đó một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn khiến cho Bắc Kinh không thể nghi ngờ. Sự mơ hồ về quyết tâm của Mỹ chính là một trong những điều nguy hiểm nhất.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)