Đó là nhận định của nhà phân tích Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập tạp chí “Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu” (Russia in Global Affairs).
Ông Lukyanov nói với báo Vzglyad (Nga): "Thật khó có thể đạt được thỏa thuận về các hoạt động chính trị quân sự chung, khi không có niềm tin. Do hoàn cảnh khác nhau - một phần liên quan đến Syria, quân đội Nga và quân đội Mỹ không tin tưởng lẫn nhau. Một thỏa thuận ngoại giao sẽ chỉ hữu hiệu nếu tất cả mọi thứ được hoàn thiện đến chi tiết cuối cùng và có một cơ chế kiểm chứng rõ ràng cho từng đường đi nước bước”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và bộ sậu của ông dường như thực sự có ý định đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria với Nga. Thế nhưng, theo TBT Lukyanov, “quân đội Mỹ rõ ràng không chia sẻ quan điểm này”. Ông Lukyanov nói thêm: “Các viên chỉ huy quân đội Mỹ sẽ không tuân theo bất cứ điều gì (được ghi trong Thỏa thuận Lavrov-Kerry) và không tin tưởng đối tác Nga của họ".
Một cuộc không kích của máy bay liên quân do Mỹ cầm đầu vào căn cứ của Quân đội Syria ở thành phố Deir ez-Zor dường như càng củng cố nhận định nói trên.
|
Lầu Năm Góc đã “ném bom” Thỏa thuận Lavrov-Kerry về ngừng bắn ở Syria? Ảnh AP |
Vào ngày Thứ Bảy (18/9), hai chiến đấu cơ F-16 và hai máy bay cường kích chuyên tấn công các mục tiêu mặt đất A-10 đã không kích các lực lượng trung thành với chính phủ ở Damascus đang bị phiến quân IS bao vây ở thành phố chiến lược quan trọng Deir ez-Zor, làm ít nhất 62 quân nhân Syria thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Lầu Năm Góc đã ngừng không kích sau khi các chỉ huy quân sự của Nga đã liên lạc với các đối tác Mỹ, cảnh báo họ rằng họ đã nhắm mục tiêu vào quân chính phủ Syria chứ không phải phiến quân IS.
Sau vụ việc bi thảm này, Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ đã ra tuyên bố nói rằng đây là một cuộc tấn công không chủ ý, nhưng nhiều chuyên gia của Nga, Syria và các nước khác không tin rằng đó là một cuộc “không kích nhầm”.
Theo nhà phân tích Lukyanov, Tổng thống Mỹ Barack Obama quan tâm đến việc thực thi Thỏa thuận Lavrov-Kerry vì ông không muốn rời Nhà Trắng và để lại di sản là một đất nước Syria "bế tắc hoàn toàn” bị chiến tranh tàn phá. Ông Lukyanov nói thêm: "Tôi nghĩ rằng Ngoại trưởng Kerry quyết tâm đạt được một thỏa thuận (với Nga) và nhận được sự ủng hộ của Tổng thống (Obama). Nhưng Lầu Năm Góc lại có quan điểm khác".
Có tin nói, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã không thèm “nhìn mặt nhau” do Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có hiệu lực từ tuần trước. Các quan chức quốc phòng Mỹ đặc biệt cảnh giác trước khía cạnh hợp tác quân sự được ghi trong Thỏa thuận Lavrov-Kerry.
Người tỏ ra nghi ngờ nhiều nhất lại là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Báo Washington Post đưa tin, ông Carter đã tìm cách trì hoãn thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, với những câu hỏi “lặp đi lặp lại” trong các cuộc gọi hội nghị với Ngoại trưởng John Kerry.
Nhà phân tích Semen Bagdasarov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á (của Nga), cho rằng thỏa thuận Lavrov-Kerry dường như khó có thể tồn tại ngay từ đầu. Nhà phân tích Bagdasarov nêu bật rằng vấn đề xác định nhóm nào ở Syria là khủng bố và nhóm nào là “đối lập ôn hòa” chính là điểm tranh cãi then chốt giữa Nga và Mỹ.
Ông Bagdasarov nhận định: "Thỏa thuận này thiếu cơ sở để thực thi. Nó được xây trên cát. Thỏa thuận này chỉ được xây dựng để rồi sụp đổ và những gì xảy ra đã chứng minh chính xác nhận định này”.
Giám đốc Bagdasarov cũng tỏ ra bi quan khi nói đến tiến trình hòa bình chính trị ở Syria: "Bất đồng giữa các là rất sâu sắc. Việc đạt được một thỏa hiệp là hầu như không thể. Giải quyết cuộc khủng hoảng Syria sẽ chỉ có thể thông qua chiến tranh".