Lãnh tụ Fidel Castro: Ngọn hải đăng của cách mạng Mỹ Latinh

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh tụ Fidel Castro là ngọn hải đăng chói sáng của phong trào giải phóng ở Mỹ Latinh và định hình lịch sử Tây Bán Cầu nửa sau thế kỷ 20.

Đó là nhận định của nhà báo Anh gốc Peru, ông Javier Farje, một nhà phân tích cho các kênh truyền hình từ Mỹ Latinh đến Trung Đông.
Tư lệnh cách mạng Fidel Casstro: “Những người anh em ở Mỹ Latinh sẽ noi theo chúng ta”. Ảnh Getty Images 
Trong tuyên bố đầu tiên trước dân chúng Cuba sau khi lật đổ chế độ độc tài Batista đầu năm 1959, Tư lệnh cách mạng Fidel Castro nói: "Các đồng chí, cách mạng không phải là tài sản độc quyền của chúng ta, cũng không phải là duy nhất ở hòn đảo Cuba. Những người anh em ở Mỹ Latinh sẽ noi theo chúng ta”.
Lời hiệu triệu tiến hành vũ trang cách mạng 
Theo nhà báo Javier Farje, đó chính là lời hiệu triệu tiến hành cách mạng vũ trang của nhà cách mạng Fidel Castro mà đội ngũ trí thức trung lưu và các nhà hoạt động ở Mỹ Latinh đã đồng lòng hưởng ứng.
Vào giữa những năm 1960, Mỹ Latinh đã xuất hiện nhiều nhóm du kích có thành viên được đào tạo ở Cuba. Tại Nicaragua, Peru, Bolivia, Argentina, Venezuela và Ecuador, các đơn vị du kích vũ trang đã cố gắng lặp lại những kinh nghiệm thành công của cách mạng Cuba, chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Chỉ có điều, các nhóm du kích vũ trang này đã bị quân đội nhiều nước nghiền nát. Đến năm 1967, nhà cách mạng Che Guevara bị hành quyết ở Bolivia sau khi thất bại trong việc thành lập một đơn vị du kích để về đấu tranh vũ trang ở Argentina quê hương ông.
Tuy nhiên, một số chính phủ trong khu vực hiểu rằng phong trào du kích phản ánh tâm trạng tức giận của dân chúng trước tình trạng bất công tồn tại trong xã hội nước họ.
Năm 1968, chính phủ quân sự Peru của Tướng Juan Velasco thực hiện cải cách ruộng đất. Tướng Juan Velasco nói: "Nếu chúng ta không thực hiện cải cách này, thì những người theo Fidel Castro sẽ Trớ trêu thay, chính Tướng Velasco lại tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba của nhà cách mạng Fidel Castro. Sau đó, Tướng Velasco và Tư lệnh cách mạng Fidel Castro đã trở thành những người bạn tốt.
Ở Panama, Tướng Omar Torrijos lên nắm quyền vào năm 1968. Trong chuyến thăm Cuba năm 1976, Tướng Torrijos ca ngợi rằng Fidel Castro là "một biểu tượng của nỗ lực thống nhất Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh vì bản sắc và hội nhập cuối cùng của châu lục này. Ông ấy là một người bạn chân thành, nhất quán và cao quí”. Chính phủ quân sự ở Ecuador và Bolivia cũng đi theo con đường của Panama.
Năm 1970, bác sĩ có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Salvador Allende đã được bầu làm Tổng thống Chile. Bác sĩ Allende muốn chứng minh rằng vẫn có thể tiến hành một cuộc cách mạng trong một hệ thống đa đảng. Nhà cách mạng Fidel Castro thăm Chile vào năm 1971 và ông đã dành ba tuần ở lại với đất nước Nam Mỹ này. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lâu nhất của Fidel Castro.
Cuộc đảo chính quân sự ở Chile đã xảy ra ngày 11/9/1973 và Tổng thống Allende đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ dân chủ.
Trong lễ tưởng niệm Tổng thống Allende tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana ngày 28/9/1973, trước sự hiện diện của bà góa phụ Allende, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro nói: “Việc bác sĩ Allende đắc cử tổng thống (Chile) không có nghĩa là chiến thắng của một cuộc cách mạng, nhưng là một sự tiếp cận quan trọng các phương tiện pháp lý và hòa bình”.
Luồng sinh khí mới
Sau một thời gian trầm lắng ở Mỹ Latinh và ảnh hưởng của Fidel Castro bị thu hẹp. Thế nhưng trong năm 1979, tư tưởng cách mạng của ông đã được thổi một luồng sinh khí mới.
Tại Nicaragua, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandinista (FSLN) đã đánh bại chế độ độc tài Anastasio Somoza. Mặc dù phong trào Sandinista có cảm hứng chính từ Augusto Cesar Sandino, một tướng du kích người đã chiến đấu chống lại chế độ độc tài do Mỹ bảo trợ trong những năm 1930, rất nhiều chỉ huy du kích FSLN lại được đào tạo ở Cuba. FSLN tôn trọng các khái niệm về dân chủ đa đảng.
Nhà lãnh đạo FSLN Daniel Ortega đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1984. Chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega đã thực hiện một loạt các cải cách theo mô hình Cuba: phân phối lại đất đai, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và khuyến khích dân chúng tham gia chính quyền.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã tiến hành một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” chống chính phủ Nicaragua, thông qua việc công khia hỗ trợ, vũ trang và huấn luyện băng nhóm đối lập vũ trang mang tên Contras. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, FSLN bị mất quyền lực và Cuba bị mất một đồng minh quan trọng.
Vượt qua thời kỳ khó khăn gian khổ
Cuba đã phải trả một giá rất đắt cho sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Quốc đảo này không còn có thể dựa vào sự hỗ trợ của Moscow và đầu những năm 1990, Cuba đã phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn gian khổ. Nhiều nhà phân tích phương Tây dự đoán sự kết thúc của cuộc cách mạng Cuba và họ đã sai lầm.
Vào giữa những năm 1990, Cuba bắt đầu phục hồi. Sau đó năm 1999, Trung tá Hugo Chavez - người đã thất bại trong cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Carlos Andres Perez vào năm 1992 - được bầu làm Tổng thống Venezuela.
Là một sĩ quan trẻ, ông Hugo Chavez chịu ảnh hưởng của Simon Bolivar, người đã giải phóng Venezuela trong cuộc chiến tranh chống thực dân hồi thế kỷ 19, và Fidel Castro.
Sau đó, một loạt các chính phủ cánh tả khác lên nắm quyền ở Argentina, Bolivia, Brazil, Ecuador, Honduras, Nicaragua (sự trở lại cầm quyền của ông Daniel Ortega), Uruguay… Các nhà lãnh đạo cánh tả cầm quyền ở Mỹ Latinh tuyên bố rằng họ đã lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Cuba và lãnh đạo Fidel Castro.
Trong năm 2010, các nước trong khu vực quyết định thành lập Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) không có sự tham gia của Mỹ và Canada. Cuba đã được mời tham gia CELAC. Lần đầu tiên kể từ năm 1962, đảo quốc Cuba đã trở thành một thành viên của một tổ chức khu vực ở Tây Bán Cầu.
Vào tháng 1/2014, Cuba đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh CELAC lần thứ hai. Trong tháng 12 năm đó, Washington và La Habana thông báo sẽ nối lại quan hệ ngoại giao. Các chính phủ trong khu vực hoan nghênh quyết định có tính chất đột phá này.
Đến tháng 3/2016, Barack Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Cuba trong gần 90 năm qua.
Fidel Castro đã giúp định hình lịch sử Mỹ Latinh kể từ nửa sau của thế kỷ 20. Đối với những người theo đuổi lý tưởng của ông, Fidel Castro là một người cha, người truyền cảm hứng cho cuộc đấu tranh vì sự thay đổi của họ.
Trong phiên tòa xét xử về “tội” tấn công thất bại trại lính doanh trại Moncada vào năm 1953, Fidel Castro đã kết thúc phần tự bào chữa của mình với câu nói bất hủ: "Các người kết án tôi ư, điều đó không quan trọng. Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.
Và lịch sử của Mỹ Latinh cũng sẽ bao gồm những chương mới, với tên nhà cách mạng Fidel Castro được đặt lên hàng đầu.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)

>> xem thêm

Bình luận(0)