Lãnh đạo thế giới chia rẽ về vũ khí Syria

Google News

(Kiến Thức) - Nga đề xuất biện pháp xử lý các kho vũ khí hóa học của Syria, trong khi Pháp đề xuất một dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án chế độ Assad.

 Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov.
Cụ thể Nga đề xuất với Mỹ kế hoạch đặt các kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, một ngày trước cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu của 2 nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry hôm nay sẽ thảo luận về bế tắc ngoại giao Syria theo sau vụ tấn công hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus khiến hàng nghìn người dân vô tội thiệt mạng. Chính quyền Obama nhất quyết đổ trách nhiệm cho chế độ Syria bất chấp Tổng thống Assad nhiều lần bác bỏ các cáo buộc và khẳng định không ra lệnh tấn công hóa học.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, Pháp đề xuất một dự thảo nghị quyết tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không chỉ đặt các kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế mà còn lên án việc các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad sử dụng chúng.
Theo nguồn tin từ Liên Hợp Quốc ở New York, bản dự thảo nghị quyết của Pháo đã gây tranh cãi và có lẽ sẽ bị Nga, đồng minh của chính phủ Syria bác bỏ.
“Bản dự thảo nghị quyết đầu tiên của Pháp đơn giản nhằm củng cố vị trí đàm phán của phương Tây tại Geneva”, James Bays, biên tập viên ngoại giao của Al Jazeera bình luận.
Trong khi kế hoạch để Syria từ bỏ vũ khí hóa học do Nga khởi xướng dường như nhằm mục đích giúp đất nước Trung Đông tránh một cuộc chiến can thiệp đẫm máu. Song giới quan sát cũng cho rằng, kế hoạch của Nga đã giúp chế độ Obama thoát khỏi thế bế tắc giữa quyết định đánh hay không đánh Syria.
Tuy nhiên, giờ đây nhiều người không khỏi lo ngại về một bế tắc tiềm năng trong trường hợp Nga bác bỏ yêu cầu của Mỹ và Pháp về một nghị quyết ràng buộc của Liên Hợp Quốc về kiểm soát vũ khí hóa học Syria với “những hậu quả nghiêm trọng” để xử lý người vi phạm.
 Tổng thống Obama đưa ra bài phát biểu về chính sách của Mỹ đối với Syria tối qua.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama mạnh mẽ đe dọa can thiệp quân sự chống lại Syria, trả đũa cho vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Tổng thống Obama giành được sự ủng hộ thấp ở Mỹ. Kết quả là, trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm qua, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố hoãn cuộc biểu quyết của Quốc hội Mỹ về vấn đề này.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama được cho là vẫn cố vớt vát lại chút thể hiện khi tuyên bố, ông vẫn giữ lại quyền phát động tấn công quân sự vào Syria.
“Tôi đã ra lệnh cho quân đội tiếp tục duy trì vị trí sẵn sàng nhằm gây áp lực đối với chế độ Assad cũng như chuẩn bị hành động trong trường hợp ngoại giao thất bại”, ông Obama nhấn mạnh.
Phe đối lập thất vọng
Quyết định tìm kiếm một giải pháp ngoại giao về Syria của ông chủ Nhà Trắng đã gây ra sự thất vọng đối với một bộ phận phe đối lập Syria .
"Chúng tôi tin rằng chế độ (Assad) đang cố kéo dài thời gian, cố đánh lừa cộng đồng quốc tế hòng cố thoát khỏi khỏi tình thế hiện nay", phát ngôn viên của Quân đội Syria Tự do Louay al- Mikdad tuyên bố.
“Chúng tôi không tin, sự trì hoãn đối với bất cứ biện pháp can thiệp nào sẽ ngăn chặn, kiềm chế chế độ Assad khỏi việc giết chóc hay là vì lợi ích của người dân Syria”, ông Louay al- Mikdad phát biểu.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Obama được đồng minh thân cận của chính quyền Assad, Iran chào đón. Iran đã tài trợ, hỗ trợ quân sự và tài chính cho chính phủ Syria ngay từ những ngày đầu khủng hoảng chính trị bùng nổ tháng 3/2011.
“Chúng tôi hy vọng, thái độ mới của Mỹ về Syria sẽ là chính sách nghiêm túc chứ không phải là một chiến lược truyền thông”, truyền hình nhà nước Iran dẫn lời lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho biết.
Cũng trong ngày hôm qua, các nhà giám sát nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo cáo buộc cả chế độ Assad lần phe đối lập đều phạm phải những tội ác chiến tranh trong cuộc nội chiến Syria đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng.
Bạch Dương (Theo Aljazeera)

Bình luận(0)