Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng du học ở Thụy Sĩ. Năm 2011, khi 28 tuổi, ông lên nắm quyền lúc cha đột ngột qua đời...
Con trai út với tư tưởng cấp tiến
Ông Kim Jong-il (cha của Kim Jong-un) có một người vợ chính thức và 3 bà không chính thức. Người vợ chính thức là bà Kim Young Sook, con gái của vị tướng lĩnh cao cấp. Hai người có một người con gái là Kim Sul Song sinh năm 1974.
Nhưng người phụ nữ đầu tiên đến với ông là bà Song Hye Rim, một ngôi sao màn bạc nổi tiếng của Bắc Triều Tiên, bà đã có chồng và có con trước khi lấy ông Kim Jong-il năm 1970. Bà đã sinh hạ cho ông một con trai là Kim Jong-nam năm 1971. Đây là con trai trưởng của ông Kim Jong-il. Nhưng hai người chia tay năm 1994.
Người phụ nữ thứ ba của ông là Bà Ko Young Hee, sinh hạ cho ông hai con trai là Kim Jong-chull(năm 1981) và Kim Jong-un (năm 1983). Bà bị ung thư và qua đời năm 2004.
Sau đó, ông Kim Jong-il chung sống với bà Kim Ok và được coi là “Đệ nhất phu nhân” vì thường tháp tùng ông đi thị sát hoặc đi thăm nước ngoài. Hai người sinh được một con gái tên là Kim Kyong Hui, nhưng không thấy nhắc tới trong danh sách chính thức về những người con của Nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Theo truyền thống của châu Á, con trưởng thường là người kế vị, nhưng con trưởng Kim Jong-nam không được cha yêu mến, hơn nữa cuộc sống của Jong Nam tương đối tự do, nên ông đã chọn con út là Kim Jong-un là người kế vị ngay từ năm 1992 khi Kim Jong-un 9 tuổi.
Ngày 17/12/2011 ông Kim Jong-il đột ngột qua đời trong khi đi thị sát địa phương, nên Kim Jong-un lên kế vị khi mới 28 tuổi trong lúc chưa có chuẩn bị đầy đủ cả về tâm lý và sự nghiệp. Trước khi lên nắm quyền, Kim Jong-un là bức màn bí ẩn đối với dư luận thế giới, ngay Trung Quốc, một nước gắn bó như “môi với răng” cũng ngỡ ngàng về sự kiện này.
Bức màn bí ẩn về nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un dần dần được hé mở. Dư luận được biết năm 1996, Kim Jong-un được đưa đi học tiếng Anh tại Trường Bern (Thụy Sĩ) với cái tên là Pak Chol. Sở dĩ đưa đi Thụy Sĩ vì nước này trung lập và có quan hệ tốt với cả Triều Tiên cùng Hàn Quốc, tới năm 1998 về nước theo học ở Trường đại học công nghệ thông tin.
Do theo học ở Phương Tây, nên dư luận nhìn chung cho rằng Kim Jong-un có tư tưởng cấp tiến hơn so với ông nội là Kim Nhật Thành và cha là Kim Jong-il. Khi lên nắm quyền, Kim Jong-un vẫn chưa lấy vợ.
“Sống lâu lên lão làng” là truyền thống của nhiều nước châu Á, khi Kim Jong-un lên nắm quyền nằm trong một vòng vây của các nguyên lão. Khi đó, dư luận trong và ngoài nước cho rằng, Kim Jong-un quá trẻ, không mấy chững chạc. Tờ Korean Daily của Hàn Quốc đầu tháng 7/2012 viết: “Là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, nhưng các hoạt động như thị sát quân đội, thăm cán bộ, dân chúng, tiếp khách nước ngoài... mà lãnh tụ Kim Jong-un thường xuất hiện một mình trong vòng vây của các tướng lĩnh lão làng già nua, nên đã để lại ấn tượng tiêu cực trong dân chúng. Nhiều dị nghị nảy sinh, rất bất lợi cho ổn định tình hình xã hội và đất nước”.
Bởi vậy, các tướng lĩnh quyết định phải lấy vợ cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi này để tăng uy tín trong dân chúng. Cô Ri Sol-ju được chọn làm Đệ nhất phu nhân của Triều Tiên. Ri Sol-ju cao 1,64 mét, sinh năm 1989 trong một gia đình công chức bình thường tại thành phố Chọngin. Cha cô là Giáo sư Trường đại học Chong jin và mẹ là Trưởng khoa sản của Bệnh viện số 1 Thành phố Chong jin. Ri Sol-ju từng sang Trung Quốc theo học âm nhạc và tốt nghiệp Khoa thanh nhạc. Khi về nước Ri Sol-ju làm việc trong Đoàn ca nhạc Ngân Hà.
Kể từ khi kết hôn, Ri Sol-ju thường tháp tùng Kim Jong-un đi thị sát, tiếp khách và dư luận cảm thấy ông trở nên chững chạc hơn nhiều. Hơn nữa, Ri Sol-ju là người hoạt bát, năng động, vui vẻ dễ mến, nên được dư luận công chúng Triều Tiên ca ngợi.
|
Người chú dượng Jang Song-thaek bị còng tay trong phiên xử đặc biệt.
|
Trẻ tuổi, không ngại thử thách
Kinh tế Bắc Triều Tiên làn nền kinh tế bao cấp, kín cửa cao tường, nên ngay khi lên nắm quyền, Kim Jong-un muốn mở to cánh cửa đất nước với thế giới bên ngoài, nhất là với Phương Tây. Đây là việc làm mạo hiểm so với các nhà lãnh đạo trước đây.
Tờ Korea Today của Hàn Quốc số ra ngày 25/4/2012 bình luận kể từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã tiến hành một số cải cách đáng kể, nên được tạp chí Time của Mỹ chọn là nhân vật nổi tiếng thế giới năm 2012, đánh dấu Triều Tiên đã bước sang “Thời đại mới Kim Jong-un”.
Kim Jong-un kêu gọi “cần đưa thật nhiều lao động tới mức có thể ra nước ngoài làm công tăng thu ngoại tệ cho nhà nước”. Năm 2012, Triều Tiên đưa chừng hơn 10.000 lao động ra nước ngoài và hiện Triều Tiên có hơn 30.000 người lao động ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng năm đưa về cho nhà nước chừng 100 triệu USD. Triều Tiên tăng cường hợp tác với các nước và hiện có hơn 100 công ty ngoại thương ở nước ngoài, hàng năm đưa về chừng 300 – 400 triệu USD. Ngoài ra, Triều Tiên tiến hành mở cửa Khu du lịch núi Kim Cang với thu nhập hàng năm chừng 50 triệu USD.
Kim Jong-un cũng tiếp tục tiến hành các chương trình cải cách mở cửa do người cha để lại, như năm 2011 lập “Tổng cục phát triển kinh tế quốc gia” và định ra “Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế đất nước”, với tổng đầu tư chừng 100 tỉ USD tập trung phát triển 12 ngành quan trọng của đất nước, phấn đấu tới năm 2020 trở thành “nước có trình độ công nghiệp phát triển”.
Dư luận cho rằng, các nguyên lão Triều Tiên rất lo ngại mở cửa thì tư tưởng tư sản sẽ làm xói mòn chế độ XHCN của đất nước, vì vậy lâu nay ngoài quan hệ với Trung Quốc, hầu như Triều Tiên co mình lại trong chiếc vỏ cứng nhắc. Bởi vậy, chỉ có người có bàn tay cứng rắn mới dám mở cửa.
Chấn chỉnh thanh trừng... giữ vững địa vị
Kim Jong-un biết điểm yếu chí mạng của mình là còn non trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm trong khi sống trong vòng vây của các bậc lão làng, công thần. Bởi vậy, ông bị o ép từ mọi phía, mọi thế lực khác nhau, nhất là những tướng lĩnh cao cấp, nên quyền lực luôn bị đe dọa. Biện pháp duy nhất là thanh trừng, chấn chỉnh lại tổ chức, nhất là quân đội để giữ vững quyền lực chẳng những của bản thân mà của cả dòng họ.
Tờ Korea Today của Hàn Quốc ngày 9/12/2013 cho biết, kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011 tới tháng 10/2013, Kim Jong-un đã loại bỏ 97 người trong cơ quan trung ương Đảng, chiếm 40%, chủ yếu là phái quân sự. Đồng thời, ông cũng đề bạt thêm 27 người, trong đó có 23 người là các nhà kinh tế và quản lý kinh doanh, chiếm 85%.
Thực hiện phương sách “Đánh rắn phải đánh dập đầu, bắn chim phải bắn con đầu đàn”, nên Kim Jong-un cùng các phụ tá đã nhằm vào người có thế lực hàng đầu để loại bỏ nguy cơ quyền lực bị lật đổ. Những nhân vật thuộc loại này lần lượt bị thanh trừng như sau:
Người đầu tiên bị thanh trừng là Kim Jong Kak (72 tuổi) vào tháng 2/2012. Kim Jong Kak là Ủy viên Bộ chính trị khi đó nắm rất nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ lực lượng vũ trang. Kim Jong Kak được có hàm Phó Nguyên soái của quân đội Triều Tiên.
Tiếp theo là U Tong Chuk (71 tuổi) vào tháng 4/2012. U Tong Chuk, là Ủy viên Quốc phòng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ an ninh quốc gia, có hàm Thượng tướng.
Kim Yong Chun (77 tuổi) bị thanh trừng vào tháng 4/2012. Kim Yong Chun là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quân ủy trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Bộ trưởng Bộ lực lượng vũ trang.
Ri Yong Ho (71 tuổi) vào tháng 7/2012. Ri Yong Ho là Tổng tham mưu trưởng, hàm Phó Nguyên soái là thành viên của “Nhóm 3 người” có quyền lực mạnh nhất ở Triều Tiên, gồm Jang Song-thaek (Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương) và Choe Ryong-hae (Cục trưởng Cục chính trị quân đội). Dư luận ở Triều Tiên cho rằng hầu như không ai dám đụng tới Nhóm ba người này kể cả cố lãnh tụ Kim Jong-il (cha của Kim Jong-un). Trong Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc năm 2010, mâu thuẫn nội bộ tăng lên, nhiều ý kiến chống lại sự lộng quyền của Nhóm ba người, nhưng đều bị Nhóm này dập bỏ. Ri Yong Ho đã bị hành quyết ngày 20/7/2012.
Cái gì tới cũng phải tới khi Hãng tin chính thức của Triều Tiên KCNA ngày 9/12/2013 công bố Jang Song-thaek - nhân vật số 2 bị kết án với ba tội danh: Một là, tiến hành bè phái chia rẽ Đảng, hòng đoạt quyền lực từ Kim Jong-un. Hai là, phạm sai lầm trong quản lý kinh tế làm thiệt hại nghiêm trọng tới tài sản quốc gia. Ba là, có lối sống đồi trụy sa đọa. Jang Song-thaek đã bị hành quyết bằng tiêm thuốc độc ngày 12/12/2013.
Jang Song-thaek (67 tuổi), Ủy viên Bộ chính trị TW Đảng giữ nhiều trọng trách như Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ hành chính, mang hàm Đại tướng, một người được coi là nhân vật quyền lực số 2 của Đảng và Nhà nước sau Kim Jong-un.
Về quan hệ gia đình, Jang Song-thaek là chồng của bà Kim Kyong Hui, em gái của cố lãnh tụ Kim Jong-il, tức là chú của Lãnh tụ Kim Jong-un hiện nay.
Jang Song-thaek là người đỡ đầu, một cánh tay đắc lực đưa Kim Jong-un vào ngôi vị hiện nay, là người có quyền lực lớn nhất. Dư luận Triều Tiên cho rằng Jang Song-thaek là người đưa Kim Jong-un vào vị trí này, nhưng với quyền lực thực chất nắm trong tay thì cũng có thể hạ bệ Kim Jong-un bất cứ lúc nào. Kim Jong-un còn trẻ, chưa có người nối dõi, nên dòng họ Kim cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Bởi vậy, Jang Song-thaek bị thanh trừng là điều tất yếu để tránh hậu họa chẳng những cho Kim Jong-un mà cho cả dòng họ Kim.
Vợ Jang Song-thaek là bà Kim Kyong Hui - em gái của cố lãnh tụ Kim Jong-il, tức là cô ruột của Kim Jong-un. Tuy nhiên, hôn nhân của hai người không hạnh phúc. Bà Kim Kyong Hui có sức khỏe không tốt, gây gò ốm yếu quanh năm. Trái lại Jang Song-thaek là người đẹp trai, sức sống vẫn sung mãn. Vì vậy, xung quanh Jang Song-thaek luôn có 3-4 cô gái trẻ bên cạnh phục vụ. Năm 1977, hai người sinh được một con gái tên là Kim Yong, nhưng do bi quan và thất vọng về gia đình, nên đã tự sát năm 2006 khi đang học ở Pháp, từ đó mâu thuẫn gia đình càng tăng lên và hai người đã li thân từ lâu. Bởi vậy, việc Kim Jong-un thanh trừng Jang Song-thaek là sự trừng phạt sự phản bội của Jang đối với bà cô xấu số của mình.
Tác động khi Triều Tiên biến đổi
Kim Jong-un đang biến đổi Triều Tiên và đưa nước vào “Thời đại Kim Jong-un”, vậy nó sẽ ảnh hưởng thế nào đối với đất nước và quan hệ đối ngoại.
Thứ nhất, về nội bộ, Kim Jong-un sẽ giảm được sức ép của các lão làng, củng cố thêm quyền lực của mình, tự do hành động hơn mà ít bị các nguyên lão giám sát, gò ép.
Triển vọng đất nước Triều Tiên có thể đi theo con đường cải cách mở cửa, xóa bỏ thể chế kinh tế bao cấp không hiệu quả. Xã hội tự do hơn, dân chủ hơn và gần gũi với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng có thể đi theo con đường cực đoan hơn, bởi vì những chính sách mới và việc thanh trừng sẽ đụng chạm tới lợi ích của các phe phái, nên sự chống đối sẽ mạnh mẽ hơn, từ đó có nguy cơ rơi vào chia rẽ nội và nội loạn.
Thứ hai, về đối ngoại, nước ảnh hưởng lớn nhất là Trung Quốc đỡ đầu của Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Trung Quốc là nước duy nhất cung cấp hầu hết những mặt hàng thiết yếu cho Triều Tiên. Năm 2006, tổng kim ngạch buôn bán của Triều Tiên với các nước là 2 tỉ USD, trong đó 1,6 tỉ USD với Trung Quốc, chiếm tới 70%. Trung Quốc cũng là nước đầu tư chủ yếu vào Triều Tiên, năm 2009 tới trên 2 tỉ USD, chiếm trên 70%. Năm 2009, khi cuộc cải cách giá, lương, tiền nhưng bị thất bại, dẫn tới tình hình chính trị, xã hội mất ổn định, Trung Quốc phải viện trợ khẩn cấp tới 10 tỉ USD để ổn định lại tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cho Bắc Triều Tiên.
Trong số các nhân vật lãnh đạo chóp bu thì Jang Song-thaek được là “Người đứng đầu của phái thân Trung Quốc”. Ông có quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hiện nay như Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trương Đức Giang hiện là Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Du Chính Thanh hiện là Chủ tịch Chính Hiệp và cả với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đây, Jang Song-thaek thường xuyên tháp tùng cố lãnh tụ Kim Jong-il sang thăm Trung Quốc nhiều lần, đồng thời là Trưởng ban hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Năm 2009 khi cải cách giá lương tiền thất bại, Jang Song-thaek là người sang Trung Quốc xin viện trợ 10 tỉ USD để cứu vãn tình thể. Năm 2011, Jang Song-thaek đã chủ trì hợp tác với Trung Quốc xây dựng “Ba đặc khu kinh tế” theo hình mẫu của Trung Quốc. Tháng 4/2012, khi Triều Tiên thử tên lửa tầm xa làm quan hệ hai nước trục trặc thì Jang Song-thaek cũng là sứ giả sang hào giải mâu thuẫn quan hệ hai nước. Có thể nói, Jang Song-thaek là chiếc cầu nối của quan hệ Trung - Triều.
Giáo sư Vu Tú Cần thuộc Trường Đại học Hoa Đông - Thượng Hải cho rằng, Jang Song-thaek là nhân vật thân Trung Quốc, nên phát huy tác dụng rất lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao với Trung Quốc.
Vu Tú Cần cho biết, tới nay phía Trung Quốc chưa có phản ứng công khai nào, nhưng sự kiện thanh trừng Jang Song-thaek sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Trung - Triều. Triều Tiên là láng giềng và thân cận của Trung Quốc, trong đó Jang Song-thaek đóng vai trò rất quan trọng. Jang Song-thaek bị thanh trừng là vấn đề đau đầu của lãnh đạo Trung Quốc, có tin Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra phẫn nộ về sự kiện này.
Dư luận cho rằng những người thuộc “Phái thân Trung Quốc” sẽ tiếp tục bị loại ra ngoài hệ thống quyền lực thời gian tới.
Dư luận các nước, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đều tỏ ra lo ngại trước biến động nội bộ của Triều Tiên. Dư luận Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho rằng sự điều chỉnh và thanh trừng nhân sự cấp cao này có thể làm tình hình xã hội Triều Tiên mất ổn định, các thế lực trong nội bộ chống đối lẫn nhau dễ dẫn tới phiêu lưu mạo hiểm quân sự và đối ngoại, mà Hàn Quốc là nước đầu tiên phải hứng chịu. Quan hệ hai miền vừa mới có cải thiện, nếu tình hình xấu đi thì quan hệ sẽ nghiêm trọng hơn.
Mỹ và Nhật Bản lo ngại rằng, hiện nay Triều Tiên đang sở hữu vũ khi hạt nhân, nếu tình hình bất ổn, phái quân sự quá tả kiểm soát tình hình có thể dẫn tới phiêu lưu mạo hiểm quân sự kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân. Khi đó hậu họa thực khó lường.