Khủng hoảng Hy Lạp “lộ” mặt trái của chủ nghĩa tư bản là nhận định của nhà phân tích Finian Cunningham, một chuyên gia người Bắc Ireland nổi tiếng về quan hệ quốc tế, trong bài viết đăng trên Sputnik Interanational.
|
Ông lão hưu trí Hy Lạp bật khóc vì đã đi bốn ngân hàng mà không rút được tiền để sống qua ngày.
|
Chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ áp đặt lên Hy Lạp đã "thành công" trong việc đẩy mức nợ của nước này lên mức 320 tỷ euro (175% GDP), một khoản nợ mà Athens không thể nào trả nổi. Ngay cả một trong những chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng phải thừa nhận rằng đây là món nợ mà Hy Lạp sẽ không bao giờ thanh toán được. Đất nước Hy Lạp hiện đang đối mặt với một
thập kỷ đói nghèo.
Thảm họa mà Hy Lạp đang phải hứng chịu chỉ là màn dạo đầu của một vở kịch bi thảm toàn cầu. Điều đáng lo ngại đối với ban lãnh đạo EU tại Brussels là vụ nổ từ bên trong của xã hội Hy Lạp ngày nay chỉ là khúc dạo đầu của một phản ứng dây chuyền có nguy cơ hủy hoại phần còn lại của Châu Âu. Một cuộc khủng hoảng lớn hơn có thể nổ ra ở Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và một số thành viên Liên minh Châu Âu, nơi nợ quốc gia cũng tệ hại như Hy Lạp, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Trên khắp thế giới tư bản phương Tây, các món nợ “trên trời” đã được tích tụ. Với khoản nợ lên tới 17.000 tỷ USD (khoảng 100% GDP), nước Mỹ là “vua của các con nợ”. Các thành phố như Detroit và Stockton, California, đã tuyên bố phá sản. Tuần trước, tiểu bang Puerto Rico đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ chưa thanh toán 73 tỷ USD.
Một bài xã luận đăng trên tờ The New York Times than thở rằng nợ nần toàn cầu là "một căn bệnh vô phương chữa trị". Báo này lưu ý rằng các nước phương Tây đã bơm 10.000 tỷ USD “nới lỏng định lượng” (thực ra là in tiền để bơm vào nền kinh tế và phá giá tiền tệ) vào các nền kinh tế của họ trong những năm gần đây mà không mang lại bất kỳ tác dụng đáng kể nào.
Làm thế nào mà thế giới lại rơi vào tình trạng hỗn độn có hệ thống như vậy? Câu trả lời đó là do chủ nghĩa tư bản.
Trong hai thập kỷ qua, chủ nghĩa tư bản đã biến thành một hệ thống casino tài chính, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lợi nhuận trong khâu chế tạo và sản xuất thực tế. Chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống thỏa mãn nhu cầu của con người, mà trở thành một hình thức của ký sinh tài chính, với thị trường chứng khoán và đầu cơ tiền tệ bùng phát. Hệ thống này đã tách rời khỏi thế giới thực.
Được dẫn dắt bởi tư tưởng tân tự do và giúp những người giàu phải trả tỷ lệ thuế ít hơn, nhiều quốc gia trên thế giới đã tự biến mình thành một thứ nô lệ của nợ nần.
Điều đó đã tàn phá an sinh xã hội thông qua chính sách “thắt lưng buộc bụng” đối với những người thất nghiệp, hưu trí và nói chung là những người lao động. Sự sụp đổ trong kinh tế sản xuất đã được che giấu bởi sự sinh sản của vốn hư cấu, mà kết quả là tạo ra vũ trụ song song cho các thị trường chứng khoán và ngân hàng. Suy cho cùng thì đó là các khoản nợ dẫn đến tình trạng “bán phá giá” toàn bộ xã hội.
Trong năm 2007, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ước tính rằng nợ toàn cầu của các nền kinh tế casino tài chính do Mỹ cầm đầu thống trị vào khoảng 680.000 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần toàn bộ GDP của thế giới. Hiện thời, con số này còn cao hơn rất nhiều.
Cựu chuyên gia phân tích của Ngân hàng Thế giới Peter Koenig ước tính tổng mức nợ do chính sách tân tự do phương Tây hiện nay đứng ở mức 1.000.000 tỷ USD (1 triệu tỷ USD). Chuyên gia Koenig nói: "Món nợ này là không bao giờ có thể được trả lại bởi vì trả lại cho ai? Nó không thực sự tồn tại. Nó có thể bị xóa sổ trong một phần triệu giây”.
Thảm họa Hy Lạp là một thảm họa đang diễn ra ở tất cả các nước phương Tây. Những cảnh hỗn loạn trên các đường phố Athens sẽ tái diễn với quy mô lớn gấp bội trên khắp Châu Âu và Mỹ.
Theo nhà phân tích Peter Koenig, bước đầu tiên hướng tới giải quyết thảm họa này là mọi người không chỉ đơn giản lựa chọn giữa “thắt lưng buộc bụng nhiều” hoặc “thắt lưng buộc bụng ít hơn” mà phải bác bỏ tất cả các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và phải ngay lập tức xóa bỏ các chuỗi nợ.
Hơn thế nữa, cần phải nhận thức rằng hệ thống tư bản không còn tính khả thi trên cương vị cơ chế tổ chức xã hội và sản xuất. Nó bị phá sản về mặt đạo đức, chính trị và kinh tế.
Chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để dẫn đến một sự thay đổi mang tính đột phá: dân chủ hóa toàn bộ nền kinh tế để phục vụ nhu cầu của người dân, chứ không phục vụ một nhóm nhỏ các trùm tài phiệt và những con rối chính trị do nhóm này giật giây.