Theo China Times, ít nhất hải quân của 11 nước trên thế giới chịu tác động trực tiếp của căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và đua nhau "nâng cấp khả năng chiến đấu". Mỹ và Trung Quốc được cho sẽ là hai nước dẫn đầu cuộc đua này.
Theo giới chuyên gia quân sự, đến năm 2020, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc sẽ lên tới ít nhất 76 chiếc, tương đương với hạm đội tàu ngầm của Mỹ về số lượng. Nhiều tàu ngầm Trung Quốc sẽ được triển khai ở Căn cứ Hải quân Yulin, phía nam đảo Hải Nam.
Mặc dù tiếp tục tăng ngân sách mỗi năm, nhưng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ. Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy Mỹ vẫn là nước có chi tiêu quốc phòng đứng đầu thế giới với 665 tỷ USD, gấp 3 lần so với chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc.
|
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Weifang của Trung Quốc.
|
Gần đây, Mỹ công bố kế hoạch đưa máy bay giám sát không người lái Global Hawk RQ-4 và tiêm kích F-35 hiện đại tới tuần tra ở Biển Đông nhằm đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc thể hiện qua hoạt động bồi đắp phi pháp.
Trong khi đó, Philippines chỉ mới mua một loạt tàu tuần tra Nhật Bản. Đồng thời, Manila cũng tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.
Ngoài những nước trên, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua hải quân này. Cụ thể, Indonesia mới đặt hàng ba tàu ngầm từ Hàn Quốc. Chính phủ Malaysia ký kết thỏa thuận mua 6 tàu tuần tra với Pháp. Singapore cũng đặt mua 6 tàu hộ vệ lớp Formidable và hai tàu ngầm mới từ Pháp để bổ sung cho hạm đội tàu ngầm bốn chiếc hiện nay. Ngoài việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga, Hải quân Việt Nam cũng đã mua của nước ngoài hoặc đóng theo giấy phép nhiều tàu hộ vệ tên lửa hiện đại.
Xe bọc thép, trực thăng và tàu đổ bộ có khả năng trinh sát và làm nhiệm vụ giải cứu cũng là những mục tiêu mà Thái Lan, Indonesia và Philippines đang theo đuổi.
Tuần báo quốc phòng JHS Janes ước tình, chi tiêu ngân sách quốc phòng hàng năm của các nước Đông Nam Á sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2020, so với mức ước tính 42 tỷ USD trong năm nay. Theo JHS Janes, trong vòng 5 năm tới, 10 nước khu vực Đông Nam Á có thể dành 58 tỷ USD để mua các vũ khí quân sự hạng nặng để cải thiện năng lực chiến đấu của lực lượng hải quân trước mối nguy từ một cuộc xung đột (có thể) ở Biển Đông.
Chưa kể, tình hình ở Biển Đông có thể tác động tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, khiến cho ba quốc gia trên thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa hải quân.