“Tấn công kẻ thù ở xa”
Chính phủ Australia ngày 22/12 cảnh báo, phiến quân IS đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Indonesia với mong muốn xây dựng một "vương quốc Hồi giáo" ở quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này.
|
Phiến quân IS đang mở rộng hoạt động ở các địa bàn mới, trong đó có một số nước Đông Nam Á. Ảnh: WP |
Tờ Người Australia dẫn lời Tổng Trưởng lý Australia George Brandis cho biết, tổ chức khủng bố IS có tham vọng tăng cường sự hiện diện và tầm hoạt động ở Indonesia, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp. Theo ông Brandis, IS từng tuyên bố ý định thiết lập các vương quốc Hồi giáo vượt ra khỏi khu vực Trung Đông và các vương quốc Hồi giáo nhỏ lẻ khác. Tổ chức này đã xác định Indonesia là một vị trí trong tham vọng của chúng. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, IS đã ăn sâu bén rễ ở Trung Đông, nay đang có những bước chuyển hướng từ tranh giành lãnh thổ sang tấn công “kẻ thù ở phương xa”.
Tờ Người Australia cho hay, trong khi giới chức Australia tin rằng sẽ có rất ít cơ hội để IS có thể xây dựng một vương quốc Hồi giáo tại Indonesia, song họ vẫn quan ngại sâu sắc rằng nhóm khủng bố này có khả năng tạo lập một vị trí vững chắc trên đảo quốc này.
Tờ Tấm gương của Anh cũng dẫn nguồn một đoạn video được công bố ngày 21/12 cho thấy, một số chỉ huy của IS đã hối thúc công dân Philippines tới Syria để gia nhập tổ chức, trước khi tiết lộ tổ chức này đã khởi động một trại huấn luyện ở Philippines.
Video cho thấy, các chiến binh IS ở Philippines trong trang phục đen, che mặt đang thực hành luyện tập một loạt vụ tấn công, học cách sử dụng vũ khí, đu dây, trườn qua hàng rào dây thép gai. Thời báo Manila dẫn nguồn thạo tin cho biết, đến nay có khoảng 200 công dân Philippines rời đất nước tới gia nhập IS ở Syria và Iraq.
“Điệp viên” từ “vương quốc Hồi giáo”
Trong khi đó, ông Richard Barrett - cựu lãnh đạo các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Anh khẳng định: “IS đã lan rộng ra toàn cầu và có vẻ như chúng đã đạt được mục đích khi người dân đang ngày càng lo sợ về chúng”.
Theo phân tích của ông Barrett, điểm khác biệt lớn nhất giữa IS và các tổ chức khủng bố cực đoan hoạt động trước IS chính là tổ chức này có thể huy động các “điệp viên” của họ từ “vương quốc Hồi giáo”, cũng như những người có cảm tình với IS ở những quốc gia mà tổ chức này đang tấn công. Theo nhà chính trị học Gilles Kepel, tại Pháp, IS đã tuyên bố rằng tổ chức này mong muốn các vụ tấn công khủng bố sẽ làm chia rẽ cộng đồng, đẩy xã hội “bị rơi vào nội chiến”. IS tin rằng chúng có thể tuyển được nhiều người cùng tôn giáo, bởi những người đó sẽ cảm thấy là nạn nhân của việc “kỳ thị Hồi giáo”.
Nhật báo của Na Uy Dagbladet ngày 21/12 viết, 272 tên khủng bố đã lọt vào châu Âu và âm mưu tấn công. Khoảng 150 tên khác đang tìm cách đến châu lục này.