Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài viết của đồng tác giả Ina Parlina và Fadli với tựa đề: “Tổng thống Jokowi họp nội các hẹp trên chiến hạm”. Nội dung bài viết như sau:
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã thực hiện chuyến thị sát đầu tiên tới quần đảo Natuna vào ngày 23/6 và tiến hành một cuộc họp nội các hẹp ngay trên chiến hạm Imam Bonjol- con tàu vừa tham gia bắt giữ tàu cá Trung Quốc do xâm phạm lãnh hải Indonesia.
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã thực hiện chuyến thị sát đầu tiên tới quần đảo Natuna. Ảnh liputan6.com |
Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Retno; Bộ trưởng Bộ điều phối Chính trị, Pháp lý, An ninh Luhut Pandjaitan; Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Susi Pudjiastuti; Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Sudirman Said: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Sofyan Djalil và Tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo.
Tại cuộc họp này, ông Jokowi đã đề ra chiến lược phát triển khu vực quần đảo Natuna, trong đó tập trung vào việc kêu gọi đầu tư khai thác khí đốt, đẩy mạnh đánh bắt hải sản, phát triển du lịch, đồng thời chỉ đạo lực lượng quân đội tăng cường hệ thống phòng thủ ở quần đảo này nhằm đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Nam Biển Đông. Ông Jokowi cho biết việc ưu tiên phát triển kinh tế đối với quần đảo Natuna là cần thiết không chỉ để đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân mà còn nhằm bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn của Indonesia ở phía Bắc.
Quần đảo Natuna, nằm cách đảo Batam 550 km về phía đông bắc, từ lâu đã không được Chính phủ Indonesia quan tâm đến việc đầu tư phát triển kinh tế nên ở đây chỉ được bố trí một số căn cứ quân sự để phòng ngự. Năm 2002, Indonesia đã bị mất 2 đảo Sipadan và Ligitan vào tay Malaysia. Đây cũng là lý do Jakarta không muốn "kịch bản lặp lại" đối với quần đảo Natuna, nhất là khi Trung Quốc luôn tuyên bố có "chủ quyền lịch sử" đối với vùng biển lân cận của quần đảo này.
Trả lời báo chí ngay sau cuộc họp, Ngoại trưởng Indonesia Retno cho biết: Tổng thống đã chỉ thị việc ưu tiên phát triển kinh tế, đặc biệt là về thủy sản, dầu khí đối với quần đảo Natuna và vùng biển lân cận. Theo đó, Indonesia sẽ đầu tư phát triển một trung tâm hàng hải và thủy sản tích hợp trong khu vực, đồng thời đang lên kế hoạch đưa khoảng 6.000 ngư dân ra đánh bắt, khai thác hải sản quanh khu vực quần đảo Natuna.
Indonesia đã xác định được 16 lô dầu khí ở đây, trong đó có 5 lô đã đi vào khai thác, 11 lô còn lại vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, thử nghiệm. Một trong những mỏ khí đốt ở quần đảo Natuna là mỏ khí nằm ở phía Đông, có tổng trữ lượng ước đạt 46 nghìn tỷ mét khối, được đánh giá là mỏ khí đốt lớn nhất ở châu Á.
Tuy nhiên, do mỏ khí này có hàm lượng CO2 cao (ở mức khoảng 71%) nên cần phải có công nghệ tiên tiến và đầu tư lớn để khai thác. Theo báo cáo trước đó, Indonesia cần phải đầu tư số tiền từ 20-40 tỷ USD trong việc khai thác dầu khí tại đây. Hiện các tập đoàn dầu khí Pertamina (Indonesia), Exxon Mobil (Mỹ), Total (Pháp) và SA PTT Exploration của Thái Lan đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.
|
Tổng thống Joko Widodo (giữa) trên boong chiến hạm KRI Imam Bonjol cùng nội các. Ảnh: Reuters.
|
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng lên kế hoạch mở tuyến du lịch ra quần đảo Natuna (đảo chính) để khai thác tiềm năng du lịch. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cuộc họp cũng đã thảo luận về kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ cho quần đảo Natuna để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia trước những căng thẳng do tàu cá Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền lãnh hải thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan, động thái tới thăm quần đảo Natuna của Tổng thống Jokowi là nhằm chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ông nói: “Chúng tôi vẫn thân thiện với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi phải tự bảo vệ mình”.
Chính quyền quần đảo Riau ca ngợi chuyến thị sát của Tổng thống Jokowi, bày tỏ mong muốn chính phủ đầu tư, phát triển để biến Natuna thành một Đặc khu kinh tế (KEK) giống như đảo Batam. “Nếu Natuna được đầu tư, phát triển giống như Batam, chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn và các nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ở đó”, phát ngôn viên chính quyền đảo Riau Hery Mokhrizal nói.
Thiếu tá Ali Setiandy, Chỉ huy trưởng chiến hạm Imam Bonjol, cho biết chuyến thăm của Tổng thống Jokowi đã khích lệ rất lớn tinh thần chiến đấu của hải quân Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia tại quần đảo Natuna, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật, bao gồm cả việc thực thi nghiêm khắc đối với các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản trái phép. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang ở đây và sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền đất nước phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật”.
Xem thêm video Indonesia cho nổ tung hai tàu cá Thái Lan đánh bắt trái phép (Nguồn video VTV):