Hội nghị Bắc Đới Hà bàn “đại sự quốc gia”

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bắc Đới Hà để bàn "đại sự quốc gia", quyết định các vấn đề trọng đại trong Hội nghị Trung ương 5 sắp tới.

Báo chí Trung Quốc cho biết Hội nghị toàn thể Trung ương 5 dự kiến sẽ triệu tập vào tháng 10/2015. Để chuẩn bị cho Hội nghị Bắc Đới Hà, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ tụ tập ở Khu an dưỡng và nghỉ ngơi Bắc Đới Hà để thảo luận và quyết định các vấn đề "đại sự quốc gia" sắp tới.
Hoi nghi Bac Doi Ha ban
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chi phối Hội nghị Bắc Đới Hà 2015.
Bắc Đới Hà là khu nghỉ mát thuộc Thành phố Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc. Từ trước tới nay, lãnh đạo Trung Quốc thường tụ tập ở Bắc Đới Hà để vừa nghỉ vừa bàn đại sự quốc gia. Bởi vậy “Bắc Đới Hà” cũng đồng nghĩa với hội nghị quan trọng của ĐCS Trung Quốc.
Chẳng hạn, năm 1987, Triệu Tử Dương sau khi tiếp nhận chức Tổng bí thư do Hồ Diệu Bang từ chức giao lại, ông đã cùng lãnh đạo và các chuyên gia đầu ngành tới Bắc Đới Hà nghỉ ngơi và soạn thảo Báo cáo chính trị Đại Hội 13 có tên “Tiến lên trên con đường XHCN mang màu sắc Trung Quốc”. Mặc dù, năm 1989 Triệu Tử Dương bị hạ bệ, nhưng Báo cáo ĐH13 vẫn trở thành nội dung chủ yếu cho cải cách kinh tế ở Trung Quốc thời gian sau này.
Báo chí Trung Quốc cho biết hiện nay lãnh đạo Trung Quốc đang lần lượt tới Bắc Đới Hà chuẩn bị cho hội nghị vào đầu tháng 8/2015 do Tập Cận Bình chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sẽ đưa ra trong Hội nghị toàn thể Trung ương 5 Khóa 18 họp vào tháng 10/2015.
Trong bối cảnh tình hình Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tới nay có nhiều thay đổi to lớn, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng đã đụng chạm tới nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao và tình hình tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Bởi vậy, báo chí Hong Kong cho biết nội dung nổi bật của  Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ tập trung vào hai vấn đề lớn là nhân sự và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 13.
Trong quá trình chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã tiến hành điều chỉnh nhân sự ở hầu hết các địa phương, các ngành, kể cả quân đội và ngành an ninh, luật pháp.Trong khi đó trong năm 2015 và 2016 có không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt địa phương và trung ương tới tuổi nghỉ hưu, nên cần có sắp xếp nhân sự mới.
Mạng tin “Đa chiều “ở Hong Kong ngày 26/6/2015 cho biết trong Hội nghị lần này, ông Tập Cận Bình có thể đưa Lưu Nguyên (con trai cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ), một người cùng cảnh ngộ và có cùng tư tưởng với Tập Cận Bình, hiện là Thượng tướng Chính ủy Tổng cục Hậu cần làm Phó Chủ tịch quân ủy trung ương. Tờ báo cho biết vừa qua, Lưu Nguyên đã viết hai bài nổi bật trên tạp chí “Cầu thị”, trong đó 10 lần ca ngợi Tập Cận Bình. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của Lưu Nguyên là tuổi tác, vì ông đã 62 tuổi, cập kề tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, Mạng tin “Đa chiều” ngày 26/6/2015 cho biết cuối năm 2015 có thêm 4 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư tỉnh ủy và Tỉnh trưởng) tới niên hạn về hưu, nên sẽ tiến hành thay thế và điều chỉnh lại ê kíp lãnh đạo địa phương. Thời gian qua, nhiều cơ quan trung ương đã thay thế cán bộ lãnh đạo. cuối năm 2015 có thêm 6 cán bộ cấp bộ tới tuổi về hưu, năm 2016 có 7 cán bộ đã tới tuổi nghỉ hưu, trong số này có Lầu Kế Vĩ, hiện là Bộ trưởng tài chính.
Một nhân vật sáng giá và được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” được Chủ tịch Tập Cận Bình trọng dụng là ông Lưu Hạc. Lưu Hạc 63 tuổi, Ủy viên trung ương Đảng Khóa 18, hiện đang giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban phát triển và Cải cách nhà nước. Ông từng là thanh niên trí thức về nông thôn lao động và trưởng thành từ nông thôn giống như Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó, ông từng phục vụ trong Tập Đoàn Quân số 38. Nhưng sau đó, ông về học Khoa kinh tế Đại học nhân dân Trung Quốc với bằng thạc sĩ. Tiếp đó, ông sang học tại Đại học Harvard, Mỹ và có học vị MPA. Hiện ông là nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Ông đã từng tham gia soạn thảo “Kế hoạch 5 năm” thứ 8, thứ 9, thứ 10 và thứ 12 và cũng là người trong Ban văn kiện của Đảng tham gia soạn thảo các văn kiện của Hội nghị TW 3, TW 5, TW 6 Khóa 16. Ông cũng tham gia soạn thảo Nghị quyết Đại Hội 17, văn kiện Hội nghị TW 4, TW 5 Khóa 17 và văn kiện Đại hội 18. Ngoài ra, ông từng đoạt giải thưởng “Kinh tế Tôn Dã Phương”, một giải thưởng cao nhất về công tác kinh tế của Trung Quốc mà tới nay mới chỉ có 4 người được vinh dự này là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thống đốc ngân hàng Chu Tiểu Xuyên, Bộ trưởng tài chính Lầu Kế Vĩ và Lưu Hạc. Lưu Hạc chắc chắn được sắp xếp vào chức vụ cao hơn.
Báo Hong Kong ngày 27/6/2015 đưa tin Túc Chiến Thư- một thân tín của ông Tập Cận Bình, hiện là Chánh văn phòng trung ương Đảng về làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, thay ông Hàn Chính. Điều ông Hàn Chính từ Thượng Hải về trung ương giữ chức Phó ban cải cách trung ương. Chức Chánh văn phòng trung ương Đảng của Túc Chiến Thư sẽ giao lại cho Đinh Tiết Tường, là một thân tín của ông Tập Cận Bình.
Vấn đề trọng tâm thứ hai của Hội nghị Bắc Đới Hà lần này là vấn đề kinh tế. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế  của Trung Quốc bị giảm sút, năm 2014 là 7%, năm 2015 dự kiến cũng chỉ đạt xấp xỉ 7%. Bởi vậy, vấn đề kinh tế trở nên quan trọng đối với Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, những vấn đề nổi cộm khác như phát triển không đồng đều, chênh lệch giàu – nghèo cũng là vấn đề lớn.
Báo chí Trung Quốc ngày 24/6/2015 cho biết vừa qua Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi khảo sát tình hình hai tỉnh Chiết Giang và Quý Châu, một tỉnh miền đông giàu có và một tỉnh miền tây nghèo khó với mục đích chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Về chênh lệch giàu-nghèo, theo Tân Hoa Xã cho biết hiện Trung Quốc là một thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám các địa phương, nhất là các tỉnh như Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu. Tân Hoa xã cho biết thậm chí có địa phương nhiều gia đình nông dân cả năm mới được ba lần ăn cơm có thịt. Bởi vậy, cần giữ tốc độ phát triển kinh tế ra sao và san bằng hố ngăn cách giàu – nghèo cũng như tình trạng phát triển không đồng đều giữa các địa phương là đề tài lớn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 mà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thảo luận trong Hội nghị Bắc Đới Hà lần này.
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)