|
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk
|
Nhà phân tích chính trị Michael Rubin nói rằng Mỹ sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự có giới hạn nhắm vào những mục tiêu đã được xác định. Ông nói: “Tôi tin rằng Mỹ sắp phát động một cuộc tấn công quân sự. Tôi tin đó sẽ là một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình để các phi công Mỹ không phải bay vào những khu vực nguy hiểm. Và có lẽ những gì sắp xảy ra sẽ giống như những vụ không kích mà chính phủ của Tổng thống Clinton từng tiến hành tại Sudan và Afghanistan năm 1998, sau khi hai đại sứ quán Mỹ ở Ðông Phi bị đánh bom”.
Nhà phân tích chính trị Ilan Berman của Foreign Policy nói có những lý do phải hành động ngay lập tức, nhưng cũng có một số lý do để trì hoãn. Ông nói rằng chính quyền Obama đã tránh đơn phương hành động chống lại các lực lượng của Moammar Gadhafi năm 2011. Ông nhận định: “Chính quyền Obama muốn chắc chắn rằng Mỹ không phải hành động đơn lẻ, nếu chống lại Syria. Hiện giờ chính quyền này đang vận động sự hậu thuẫn của các quốc gia Châu Âu - đặc biệt của Anh, Pháp và Đức - để đảm bảo rằng nếu có một hành động quân sự đối với Syria, thì đó là hành động của các đồng minh, chứ không chỉ của một mình nước Mỹ”.
Cựu sĩ quan không quân Mỹ Sam Gardiner nói với Đài truyền hình Alhurra rằng tuy nỗ lực củng cố đồng minh đã bị đình trệ, nhưng việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. “Các lực lượng Mỹ hiện đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công bất kỳ lúc nào. Thứ chưa sẵn sàng lúc này là một liên minh”. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từng tuyên bố quân đội Mỹ đã sẵn sàng hành động bất kỳ lúc nào.
Nhà phân tích Jeffrey White tại Viện Nghiên cứu Chính sách Cận đông ở Washington cho rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ sắp xảy ra. Viện dẫn việc các thanh tra LHQ sẽ rời Syria sáng Thứ Bảy (31/8), ông nói: “Cuộc tấn công có thể xảy ra nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng nó có thể xảy ra vào cuối tuần này”.
Nhiều người lo ngại sau khi xảy ra những vụ không kích, cuộc xung đột Syria và vũ khí hóa học sẽ lan sang các nước xung quanh như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Israel.
Tổng Thư Ký LHQ kêu gọi chờ phúc trình của thanh tra vũ khí hóa học Syria
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các cường quốc hoãn tấn công quân sự nhắm vào Syria, cho tới khi đoàn điều tra về vũ khí hóa học của LHQ hoàn tất công việc của họ ở nước này.
Phát ngôn viên LHQ Farhan Haq nói rằng các thanh sát viên vũ khí hóa học sẽ rời Syria trong ngày Thứ Bảy (31/8). Ông nói rằng một số thành viên đoàn điều tra sẽ giải trình trước Hội đồng Bảo An tại New York, trong khi những người khác sẽ phân tích các mẫu mà họ thu thập được tại các phòng thí nghiệm ở Châu Âu. Ông Haq nói rằng đoàn này có thể “kể lại những gì đã xảy ra”.
Các nhà ngoại giao của 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) kết thúc ngày thứ nhì của cuộc họp kín về vấn đề Syria hôm Thứ Năm (29/8), nhưng không có sự đồng thuận nào về hành động quân sự. Cuộc họp này kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm một liên minh quốc tế để đối phó với việc Syria dùng vũ khí hóa học để tấn công thường dân. Ông Hagel tuyên bố như trên, một ngày sau khi Hạ viện Anh bác bỏ một yêu cầu để quân đội Anh tham gia một cuộc tấn công quân sự.
Theo Reuters, chính phủ Pháp ngày 30/8 cho biết Paris vẫn ủng hộ hành động trừng phạt chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bất chấp việc quốc hội Anh bỏ phiếu chống lại một cuộc tấn công quân sự.
Tổng thống Francois Hollande nói với nhật báo Le Monde, ông vẫn kiên quyết ủng hộ việc tiến hành một cuộc tấn công và sẽ làm việc chặt chẽ với các nước đồng minh.