Ngày 14/8/1945, khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh và Thế chiến thứ Hai chính thức khép lại, nhiếp ảnh gia người Mỹ Alfred Eisenstaedt đã chớp được một khoảnh khắc quý giá trên Quảng trường Thời đại ở thành phố New York. Một thủy thủ cao lớn đã trao nụ hôn đắm đuối cho nữ y tá xa lạ mà anh bắt gặp ngay giữa đám đông đang hân hoan niềm vui chiến thắng.
|
Nụ hôn này đã trở thành biểu tượng lịch sử |
Được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi “Nụ hôn”, tấm hình này sau đó trở thành một trong những
bức ảnh đáng nhớ nhất của lịch sử thế giới. Khuôn mặt của người thủy thủ và nữ y tá đều bị che khuất, Eisenstaedt cũng không hề hỏi tên họ nên mãi 7 thập kỷ sau, danh tính của hai nhân vật chính trong ảnh cũng như thời điểm bấm máy chính xác vẫn còn là một bí ẩn.
Tuy nhiên, đến nay nhà vật lý Donald Olson tại Đại học Texas cùng các đồng nghiệp đã tìm ra lời giải cho bí ẩn thứ hai - thời khắc mà bức ảnh được ghi lại - bằng các phân tích khoa học để xác định sát tới từng phút thời điểm Eisenstaedt chụp được nụ hôn nổi tiếng thế giới này.
Tổng thống Harry S. Truman tuyên bố phát xít Nhật bị đánh bại trên các phương tiện truyền thông vào lúc 7 giờ 03 phút tối ngày 14/8/1945. Ngay sau đó, một thủy thủ đang rảo bước đi trên Quảng trường Thời đại đã ôm chầm lấy một nữ y tá đứng gần mình, vòng tay ghì chặt đỡ lấy lưng cô rồi hôn đắm đuối, trong lúc đám đông đang hò reo... Đó là cách thức mà câu chuyện được tin rằng đã bắt đầu. Thực tế, theo như báo New York Times đưa tin năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 65 năm sự kiện trên, “Nụ hôn” có khả năng đã diễn ra hàng giờ trước khi ông Truman phát biểu bởi vì thông tin về chiến thắng này đã xôn xao suốt ngày hôm đấy.
“Chìa khóa” nằm trong ảnh
Nữ y tá thực tập Gloria Bullard cũng có mặt tại quảng trường vào buổi tối trọng đại đó và đã tận mắt chứng kiến nụ hôn nồng cháy. Bullard xuất hiện rõ ở đằng sau hai nhân vật chính trong một bức ảnh khác, ít nổi tiếng hơn do nhiếp ảnh gia của lực lượng Hải quân Mỹ Victor Jorgensen chụp lại. Năm 2010, khi đã ở độ tuổi ngoài 80, bà Bullard kể lại với tờ New York Times rằng lúc bà rời quảng trường và về tới nhà ở New Canaan, bang Connecticut bằng tàu hỏa thì trời mới nhá nhem tối. Chính vì vậy, nhiều khả năng thời điểm muộn nhất mà cặp đôi “khóa môi” chỉ có thể là trước 7 giờ tối.
Sau khi đọc bài báo này, một số người đã bình luận trên trang điện tử của tờ New York Times rằng họ nhận thấy điều thú vị trong bức ảnh - phần bóng xuất hiện trên một tòa nhà ở phía trên góc bên phải của bức ảnh, do tòa nhà bên cạnh in dấu lên. Nhờ điểm mấu chốt này, giáo sư vật lý Donald Olson cùng bạn là nhà vật lý thiên văn Steven Kawaler và nhà thiên văn Russell Doescher đã bắt tay giải mã ẩn số thời gian dựa trên chiều dài và hướng của phần bóng râm.
Suốt gần 5 năm nghiền ngẫm các tấm bản đồ cổ, ảnh chụp từ trên không và các bản vẽ thiết kế, họ đã tập hợp đủ thông tin để xây dựng lại một mô hình tỷ lệ các tòa nhà xuất hiện trong bức ảnh của Eisenstaedt. Olson phát hiện rằng một tấm biển hiệu nằm trên nóc khách sạn Astor đã đổ bóng lên tòa nhà phía sau. Và để tạo ra một bóng râm như trong ảnh, mặt trời phải ở góc phương vị 270 độ, hướng chính tây và ở độ cao +22,7 độ. Nhóm nghiên cứu của ông Olson khẳng định Mặt trời chỉ có thể đạt vị trí này tại thời điểm 5 giờ 51 phút chiều trong ngày, theo giờ mùa hè miền Đông nước Mỹ (EDT).
Ai là ai?
Mặc dù vậy, chiếc “chìa khóa” mà Olson tìm được vẫn chưa đủ để giải đáp bí ẩn lớn nhất của bức “Nụ hôn”. Nhiều năm sau ngày bức ảnh của Eisenstaedt được đăng trên mặt Tạp chí Life, trở thành hình ảnh biểu tượng của thế kỷ, hàng chục người đã lên tiếng nhận mình là chàng thủy thủ và nữ y tá đó.
Giữa vô số lời nhận danh, trường hợp của George Mendonsa và Greta Zimmer là có vẻ hợp lý hơn cả. Sau khi cuốn sách viết về họ được xuất bản năm 2012, các chuyên gia đã sử dụng nghiệp vụ pháp y để tạm kết luận rằng ông Mendonsa và bà Zimmer chính là hai nhân vật nổi tiếng đó. Tuy nhiên cuốn sách lại khẳng định rằng “màn khóa môi” đã diễn ra vào lúc 2 giờ chiều, tức là trước ba tiếng so với tính toán khoa học của giáo sư Olso. Theo những dòng ký ức, ngày trọng đại ấy, chàng sĩ quan hải quân Mendonsa tới rạp phim Pacific cùng với người vợ chưa cưới của mình và giữa chừng thì màn hình bị gián đoạn bởi dòng thông báo cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc. Họ rời khỏi rạp để đi uống vài ly chúc mừng ở khu vực Quảng trường Thời đại. Cùng lúc đó, nữ y tá nha khoa Zimmer - một người di cư từ Áo - vừa ăn xong bữa trưa muộn và đi ngang qua khu trung tâm để tìm hiểu về sự kiện. Rồi bỗng nhiên, một người lạ mặt quàng tay ôm hôn chặt lấy cô.
Một trong hai tác giả của cuốn sách, nhà sử học Lawrence Verria cho biết ngoài lời kể của ông Mendonsa và bà Zimmer, ông đã thu thập thông tin, phỏng vấn các nhân chứng và xin trợ giúp từ các chuyên gia nhận diện khuôn mặt. Verria khẳng định: “Đã đến lúc cuộc tranh cãi này được khép lại”. Hiện tại ông Mendonsa 92 tuôi, sống ở Rhode Island còn bà Zimmer 90 tuổi, sống tại Virginia.
Hay như trường hợp của ông Glenn McDuffie - một người đưa thư đã qua đời - cũng nhận được nhiều sự tin tưởng từ dư luận. Một bài báo của hãng tin AP xuất bản tháng 3/2014 xác nhận ông McDuffie chính là người thủy thủ trong bức ảnh. Theo đó, họa sĩ pháp y Lois Gibon ở Sở cảnh sát Houston sau khi quan sát kỹ hơn 100 bức ảnh đã kết luận rằng ông McDuffie có cấu trúc xương mặt tương đồng với người thủy thủ. Điều đáng nói là Gibon từng lập kỷ lục Guinness cách đây 10 năm với thành tích giúp cảnh sát xác định các nghi phạm nhiều hơn bất cứ họa sĩ pháp y nào khác.
Có thể nói, mọi lời khẳng định đều rất mong manh giữa ranh giới thật và giả. Chỉ một điều mà chúng ta biết chắc chắn rằng, ngày 14/8/1945, Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, một người đàn ông đã hôn một người phụ nữ tại Quảng trường Thời đại. Hình ảnh và nụ hôn mừng hòa bình của họ đã trở thành một biểu tượng trường tồn với thời gian.