Động đất chính trị tiếp theo sẽ xảy ra ở nước Pháp?

Google News

(Kiến Thức) - Sau cú sốc Brexit và tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, động đất chính trị luôn có thể xảy ra trên chính trường thế giới vốn biến động khôn lường.

Đó là nhận định của nhà báo Finian Cunningham - người đã viết nhiều bài phân tích vấn đề quốc tế cho các tờ báo lớn như The Mirror, Irish Times và The Independent - trong bài viết đăng trên trang mạng Russia Today (RT) ngày 22/11/2016.
Theo nhà báo báo Finian Cunningham (người Ireland), giới phân tích và các chính khách hiện không loại trừ khả năng bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp được tổ chức sau đây 6 tháng và tạo ra một cơn động đất chính trị nữa ở Châu Âu.
Dong dat chinh tri tiep theo se xay ra o nuoc Phap?
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) ở Pháp và thành viên của Nghị viện châu Âu. Ảnh Reuters 
Chính khách cực hữu vẫn có cơ may đắc cử Tổng thống Pháp
Tuần trước, đương kim Thủ tướng Pháp Manuel Valls không loại trừ khả năng lãnh đạo FN Marine Le Pen có thể được bầu làm tổng thống mới của Cộng hòa Pháp, khi các cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 4 và tháng 5/2017.
Triển vọng nữ luật sư Marine Le Pen, 48 tuổi, trở thành Tổng thống Pháp - thành viên lớn thứ hai của EU sau Đức – đã trở nên sáng sủa hơn với việc cựu Thủ tướng Francois Fillon dự kiến giành quyền ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trung hữu (Les Republicains). Ông Fillon đang dẫn trước đối thủ cùng đảng là Alain Juppé trong quá trình đề cử của những người Cộng hòa ở Pháp.
Trong khi ông Fillon có chương trình nghị sự cứng rắn hơn đối với người nhập cư như bà Marine Le Pen, có những sự khác biệt “một trời, một vực” giữa hai ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc đua giành chức Tổng thống Pháp kế nhiệm về các vấn đề kinh tế và quan hệ của nước Pháp với Liên minh Châu Âu (EU).
Francois Fillon, từng giữ chức Thủ tướng Pháp dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012), là một chính khách diều hâu về tự do kinh tế mới. Ông Fillon đã hứa hẹn sẽ cắt giảm ngân sách và việc làm trong dịch vụ công cộng. Ông này cũng muốn sửa đổi Luật lao động Pháp để loại bỏ những hạn chế về giờ làm việc tối đa và tăng tuổi nghỉ hưu. Đây chính là những nhược điểm chết người mà bà Marine Le Pen có thể khoét vào vì đã và đang xảy ra nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà ông Fillon đang theo đuổi.
Trong khi đó, luật sư bà Marine Le Pen dường như quan tâm hơn đến nguyện vọng và thái độ bất mãn của đông đảo cử tri Pháp. Thái độ bất mãn và phản đối chính quyền đang được thúc đẩy bởi tình trạng bất ổn kinh tế và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại trong thời đại toàn cầu hóa. Marine Le Pen cho rằng việc bà chạy đua vào điện Elysee phù hợp với xu thế thời đại là “nổi dậy chống lại giới thượng lưu cầm quyền”.
Sự trỗi dậy của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) ở Pháp và các đảng chính trị bài EU khác trên khắp Châu Âu không chỉ đơn giản là do tâm lý bài ngoại và căng thẳng chủng tộc do tình trạng nhập cư ồ ạt gây ra. Sự trỗi dậy này dựa trên phong trào chống lại sự thái quá của giới thượng lưu chính trị, trong đó ban lãnh đạo EU và các đảng chính thống cầm quyền ở các nước Châu Âu.
Lãnh đạo FN Marine Le Pen muốn noi gương Vương quốc Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu để tái khẳng định quyền kiểm soát quốc gia đối với nền kinh tế Pháp. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Fillon là một ứng cử viên tổng thống ủng hộ toàn cầu hóa và “thắt lưng buộc bụng”, những chính sách đã kích động phong trào dân túy nổi nên ở nhiều nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Bà Marine Le Pen ra sức đánh bóng hình ảnh FN
Khi lên đảm nhận chức lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trong năm 2011, Marine Le Pen đã bắt tay vào việc đánh bóng hình ảnh FN. Dưới sự lãnh đạo của bà, FN cũng đã thông qua một chương trình nghị sự kinh tế thiên tả như bảo vệ quyền làm việc, tăng lương tối thiểu và chiến đấu chống chủ nghĩa tư bản công ty bằng việc hủy bỏ các giao dịch thương mại quốc tế có xu hướng tự do mới.
Đây có lẽ cũng là chương trình nghị sự mà bà Le Pen dùng để thu hút lá phiếu của đông đảo cử tri trong vòng đầu tiên (23/4/2017) và vòng thứ hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Đương kim Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls (thuộc Đảng Xã hội) đã trở nên “độc hại” đối với công nhân Pháp và cử tri cánh tả truyền thống. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Hollande hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục xuống còn một con số (dưới 10%). Ban lãnh đạo Đảng Xã hội đang bị lên án "phản bội" người dân bình thường, ôm chân tư bản vì theo đuổi chính sách “thắt lưng, buộc bụng” quá hà khắc.
Thái độ bất mãn của dân chúng với các chính sách đương thời hiện đã vượt quá quan ngại của cánh hữu về làn sóng ồ ạt người nhập cư và “chủ nghĩa đa văn hóa”. Thái độ này đã biến thành phong trào chống đối chính sách áp bức kinh tế mà các chính khách như cựu Thủ tướng Francois Fillon đại điện.
Xét theo khía cạnh này, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia sẽ gặt hái được nhiều lá phiếu của các công dân Pháp: từ cánh tả, cánh hữu đến trung dung. Những cử tri này đang được tập hợp dưới ngọn cờ đòi kiểm soát dân chủ đối với các vấn đề kinh tế cơ bản của nước Pháp.
Liên minh Châu Âu trước nguy cơ tan vỡ
Theo nhà báo Cunningham, nếu đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia lên nắm quyền ở nước Pháp vào tháng 5/2017, cảnh quan chính trị Châu Âu sẽ bị tan vỡ. Việc nước Pháp có một vị tổng thống chống Liên minh Châu Âu sẽ báo hiệu sự sụp đổ của khối bao gồm 28 nước thành viên này.
Điều đó sẽ có tác động rất mạnh đến Mỹ, Châu Âu và các mối quan hệ với Nga. Không còn bị trói buộc bởi chủ nghĩa Đại Tây Dương ngả về phía Mỹ, Pháp và Châu Âu sẽ bắt đầu tổ chức lại với các mối quan hệ cân bằng hơn với Nga. Với việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, triển vọng địa chính trị của những năm sắp tới có khả năng sẽ tốt hơn cho toàn thế giới. Thái độ thù địch của Mỹ đối với Nga sẽ dịu bớt và đây chính là tiền đề để hạ nhiệt các điểm nóng như Ukraine và Syria.
Bà Marine Le Pen đã chỉ trích Washington và các nhà lãnh đạo Châu Âu về việc cố tình biến nước Nga thành quỉ sứ và muốn vứt bỏ các biện pháp trừng phạt Nga mà bà này cho là hành động “tự bắn vào chân mình”. Bà công khai ủng hộ Tổng thống Putin về các mục tiêu chính sách đối ngoại, trong đó có việc hỗ trợ chính phủ Syria chống lại các nhóm nổi dậy có vũ trang bất hợp pháp, những kẻ đang gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với nước Pháp và phần còn lại của Châu Âu.
Brexit, sự đắc cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump (năm 2016) và triển vọng chiến thắng của lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 có thể là những biến động chính trị chấn động toàn cầu xảy ra trong vòng có một năm ngắn ngủi. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017, một trận động đất chính trị mang tên Le Pen có thể là cú sốc cuối cùng đối với con bệnh EU đang được cấp cứu.
Chỉ có điều, từ nay đến ngày bầu cử Tổng thống Pháp vẫn còn 6 tháng nữa và chắc chắn, cánh tả và cánh hữu ở nước này lại liên kết với nhau một lần nữa để ngăn chặn đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia lên cầm quyền. 
Minh Châu (Theo RT)

Bình luận(0)