Theo Business Insider, nhờ các cuộc không kích của Nga, quân Chính phủ Syria cùng các lực lượng phiến quân Hồi giáo người Shiite và Hezbollah đã tiến đến các thành phố Nubl và Zahraa bị phe đối lập chiếm đóng từ năm 2012.
|
Một chiếc cường kích Su-24 của Nga cùng loại với chiếc máy bay mà Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi tháng 11/2015- đây được coi là sai lầm chết người của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh AP |
Sai lầm chết người từ vụ bắn hạ Su-24 của Nga
Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ điều tiêm kích F-16 bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hồi tháng 11 khi máy bay này đang không kích IS tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc không kích IS của Nga đã nhanh chóng chuyển hướng đến khu vực hành lang phía Bắc của tỉnh Aleppo.
Việc tăng cường dội bom của Nga tại khu vực Bayirbucak, Tây Bắc Syria gần thành phố chiến lược Azaz được cho là nhằm vào phiến quân người Turk được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng như đoàn xe chở hàng đến cho chúng.
Chính vì thế, chiến lược ủng hộ phe đối lập tại Syria chiến đấu chống lại Tổng thống Bashar al- Assad cũng như ngăn cả quân đội Syria tái chiếm lại Aleppo trong suốt vài tháng qua bỗng chốc “sụp đổ hoàn toàn”.
“Việc Nga dội bom đã cắt hoàn toàn tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Azaz”, ông Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Hội đồng Thái Bình Dương cho biết.
“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tiến vào Aleppo qua Reyhanli”, ông Stein nói: “Tuy nhiên, giờ Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thế bị động ở Syria do Nga đã “chặn hoàn toàn” việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các đợt không kích của mình”.
Trên thực tế, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp trả chiến dịch không kích của Nga ở phía Bắc Syria đã bị hạn chế rất nhiều bởi “vùng cấm bay” trên thực địa mà Nga xác lập tại đây sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga hồi tháng 11.
“Đó hẳn là điều khiến vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria yếu nhất trong nhiều năm vừa qua”, Biên tập viên phụ trách khu vực Trung Đông của tạp chí Foreign Policy David Kenner nhận định: “Vụ bắn hạ máy bay Nga trở thành bước ngoặt xoay đổi cục diện trên chiến trường và là hành động “tự bắn vào chân” của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Sau vụ việc đó, Nga đã trang bị cho các máy bay chiến đấu của mình các loại tên lửa không đối không để tự vệ và điều đến căn cứ Không quân Hemeymem của Nga gần Latakia hệ thống phòng vệ tên lửa tối tân S-400.
Quyền tự quyết vuột khỏi tay Thổ Nhĩ Kỳ
“Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hoàn toàn khả năng thay đổi cục diện chiến lược cả trên không và trên bộ ở Syria”, ông Metin Gurcan, một chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.
Ông Paul Stronski, một chuyên gia thuộc Chương trình Nghiên cứu về Nga và Khu vực Á-Âu thuộc Quỹ Carnegie, chia sẻ quan điểm nói trên và nhấn mạnh, việc Nga tiến hành các cuộc không kích sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực Tây Bắc Syria.
Không chỉ có vậy, ông Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Hội đồng Thái Bình Dương, cho rằng, một khía cạnh khác trong chính sách về Syria cũng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ là việc không thể ngăn chặn tổ chức Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd ở Syria tiến vào phía Đông thành phố Marea.
|
Binh sĩ quân đội Syria nã pháo vào các vị trí của phe đối lập. Ảnh Sputnik |
“Các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gửi sang Syria giờ phải chuyển qua Bab al-Hawa ở tỉnh Idlib”, ông Stein nói: “Nỗ lực để bảo vệ tuyến đường đến Marea của Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp rất nhiều khó khăn”.
Nga hỗ trợ người Kurd dồn Thổ Nhĩ Kỳ vào đường cùng
Tình hình còn tệ hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi Tổng thống Nga Putin hồi tháng 9/2015 đề nghị giúp đỡ cộng đồng người Kurd giành lại lãnh thổ của mình ở khu vực miền Bắc Syria bằng cách kết nối thị trấn chiến lược Kobani mà người Kurd đang nắm quyền kiểm soát với Afrin.
Tổng thống Nga cũng tận dụng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga để hỗ trợ tổ chức Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd ở Syria dưới danh nghĩa cắt đường tiếp vận của Thổ Nhĩ Kỳ cho phe đối lập ở Aleppo.
|
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tấn công các vị trí của phe đối lập tại Syria. |
Hồi tháng 12/2015, “Moscow đã cung cấp vũ khí cho khoảng 5.000 chiến binh người Kurd ở Afrin trong khi các máy bay chiến đấu của Nga dội bom vào một đoàn xe tải chở hàng hóa đang từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria qua Bab al-Salam”, chuyên gia Fabrice Balanche thuộc Viện Washington viết trong một bài phân tích về tầm quan trọng chiến lược của hành lang Azaz.
Theo ông Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Hội đồng Thái Bình Dương: “Người Kurd đã có thể gắn kết Efrin với khu vực phía Đông Euphrates. Tuyến đường này hoàn toàn nằm ngoài tầm đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Aykan Erdemir, chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ các Nền Dân chủ và là cựu Nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách can thiệp nhằm ngăn chặn sự mở rộng của người Kurd về phía Tây sẽ “gây ra những hệ lụy nghiêm trọng”.
Theo ông Erdemir, bất kỳ sự can thiệp nào kiểu như vậy cũng “làm leo thang căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến những lệnh trừng phạt nặng nề hơn hoặc thậm chí có thể khiến quân đội hai nước đối đầu với nhau”.