"Đội quân tóc dài" đó chính là đội quân “Nữ chiến binh người Kurd” (YPJ) thuộc Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG), những phụ nữ trực tiếp cầm súng chống lại IS tại các khu vực ở Iraq và Syria. YPG hiện có khoảng 50.000 tay súng, trong đó có khoảng 20% (10.000 người) là nữ và đây là lực lượng đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống phiến quân IS.
|
Những nữ chiến binh người Kurd khiến khủng bố IS khiếp vía. Ảnh: DM |
Khủng bố IS đặc biệt kinh hãi trước cảnh bị phụ nữ giết hại. Lý do là bởi chúng tin rằng chết dưới bàn tay phụ nữ đồng nghĩa với việc bị đày xuống địa ngục, thay vì viễn cảnh được lên thiên đàng như những gì được rao giảng. Dưới con mắt của bọn này, phụ nữ chỉ là những kẻ nô lệ, dùng để tra tấn hay phục vụ cho việc thỏa mãn những nhu cầu sinh lý.
YPJ là một tổ chức vũ trang được thành lập từ năm 2012, với sự tham gia của các nữ tình nguyện viên, tuổi đời từ 18-40. Thức ăn và nguồn tiếp tế đối với “Đội quân tóc dài” này do các cộng đồng địa phương cung cấp và họ không nhận bất kì khoản trợ giúp nào của cộng đồng quốc tế. Sau khi gia nhập phong trào, các tân binh nữ sẽ trải qua các khóa huấn luyện và nhiều người nhanh chóng trở thành những chiến binh khét tiếng, trực tiếp cầm vũ khí đánh bại quân khủng bố IS.
Đáng chú ý, khởi nguồn của YPJ chỉ là một phong trào phụ nữ và các thành viên lúc đầu không coi cuộc chiến chống IS là nhiệm vụ chính. Mục đích ban đầu của YPJ là để giành quyền bình đẳng nam – nữ và đây là một phần lý do mà ngày càng có nhiều người gia nhập nhóm với khát vọng chứng tỏ phụ nữ cũng là những người rất mạnh mẽ và hoàn toàn có thể làm thủ lĩnh. “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó nam giới đang lấn át nữ giới. Chúng tôi có mặt ở đây là để kiểm soát tương lai của mình. Trong trận chiến ở Kobane, tôi đã bắn trúng một tên khủng bố IS. Khi hắn bị thương, đồng bọn bỏ mặc. Lát sau, tôi bước tới và chôn hắn. Giờ thì tôi thấy mình thật mạnh mẽ và có đủ khả năng bảo vệ quê nhà, bạn bè và bản thân”, Torin Khairegi, một nữ chiến binh YPJ 18 tuổi nói với tờ Time Network.
“Đại tá” Nahida Ahmad Rashid là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn số 2 YPJ, chỉ huy khoảng 500 nữ chiến binh, với địa bàn hoạt động là tỉnh Sulaymaniyah, miền Bắc Iraq. Chia sẻ với báo giới, Rashid nói rằng so với các chiến binh nam, những tay súng của YPJ phải đối mặt với những thách thức ngặt nghèo hơn trong cuộc chiến với IS. Lý do là bởi một khi bị bắt, họ sẽ phải chấp nhận với việc bị tra tấn, hãm hiếp trước khi bị sát hại. Trên thực tế, binh sĩ dưới quyền của cô Rashid đều thủ sẵn một viên đạn trong súng, sẵn sàng bóp cò tự sát nếu nhận thấy khả năng chắc chắn sẽ bị quân khủng bố bắt giữ.
Alfred Yaghobzadeh – một phóng viên ảnh làm việc ở Paris, là một trong những người đầu có công khám phá và cho công chúng thấy được sức mạnh của YPJ sau khi anh này có được cơ hội quay phim, thị sát hoạt động của lữ đoàn Yazidi - một đạo quân gồm toàn nữ chiến binh trong cuộc chiến chống IS hồi năm 2014. “Một trong những tư tưởng quan trọng và nhạy cảm nhất mà IS phải đối mặt là bàn tay của phụ nữ. Nữ giới luôn là nạn nhân, dù là ở phương Tây hay Trung Đông. Thế nhưng tại đây, mỗi một nữ chiến binh lại có lý do riêng để chiến đấu và tồn tại. Họ biết rằng mình là người quyết định cuộc sống”, Yaghobzadeh chia sẻ với tờ The Guardian (Anh).
Dưới con mắt của các thành viên YPJ, khủng bố IS có thực sự đáng sợ không? “IS không phải là những kẻ cuồng tín, gớm ghiếc cực độ. Chúng chỉ là một nhóm những kẻ thô bỉ, ngu đần như heo, chỉ biết co giò bỏ chạy khi gặp phải sự kháng cự. Không gì khác ngoài cái gai trước mắt”, nữ chiến binh Hanna chia sẻ với tờ Business Insider.