Đảo chính tại Mali và nỗi ám ảnh kịch bản năm 2012 tái diễn

Google News

Đảo chính ở Mali làm các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại kịch bản năm 2012 tái diễn, đồng thời khiến quốc gia Tây Phi này chìm sâu vào khủng hoảng.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita hôm 18/8 đã buộc phải từ chức và giải tán Quốc hội chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ nổi loạn bắt giữ. Cuộc đảo chính quân sự ở Mali này là đỉnh điểm của nhiều tháng khủng hoảng chính trị, cũng như các cuộc biểu tình kéo dài phản đối tình trạng an ninh xuống cấp và tham nhũng tràn lan.
Các quốc gia láng giềng Tây Phi đã ngay lập tức quyết định đóng cửa biên giới với Mali, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày hôm nay.
Dao chinh tai Mali va noi am anh kich ban nam 2012 tai dien
 Người dân reo hò ủng hộ lực lượng binh sĩ làm binh biến. Ảnh: AFP.
Thông báo từ chức của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đưa ra ngay trước nửa đêm hôm qua, 3 năm trước khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc. Giải thích cho quyết định của mình, nhà lãnh đạo Mali nhấn mạnh, ông không muốn “máu phải đổ để giữ quyền lực”.
“Trong suốt 7 năm qua, tôi đã nỗ lực hết mình để mang lại những thay đổi tích cực cho đất nước. Tôi không muốn đổ máu để giữ quyền lực. Vào thời điểm này, tôi muốn cảm ơn người dân Mali vì sự ủng hộ và tình cảm họ dành cho tôi trong suốt những năm dài qua. Quyết định từ chức của tôi sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Cùng với đó, Chính phủ và Quốc hội cũng sẽ bị giải tán”.
Lên nắm quyền sau cuộc bầu cử được đánh giá như một “hình mẫu dân chủ” tại khu vực năm 2013 và tái đắc cử 5 năm sau đó, ông Ibrahim Boubacar Keita không có nhiều lựa chọn sau khi ông và Thủ tướng Boubou Cissé, cùng các thành viên chính phủ bị bắt giữ ở căn cứ quân sự tại thị trấn Kati. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc đảo chính quân sự cách đây 8 năm dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Amadou Toumani Toure.
Cộng đồng các quốc gia Tây Phi đã ngay lập tức ra thông cáo lên án mạnh mẽ cuộc binh biến tại Mali đồng thời quyết định tạm dừng quy chế thành viên của Mali tại tất cả các cơ quan ra quyết định của tổ chức. Các quốc gia láng giềng Tây phi cũng thông báo đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ và trên không, cũng như các giao dịch tài chính, thương mại và kinh tế với Mali, đồng thời kêu gọi các nước đối tác hành động tương tự.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thì mô tả đây là một cuộc đảo chính quân sự nguy hiểm, đồng thời bác bỏ bất kỳ sự thay đổi nào không phù hợp với hiến pháp. Theo ông Josep Borrell, đây không phải là cách để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội kéo dài tại Mali.
Về phần mình, Liên Hợp Quốc thông báo tổ chức một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an trong ngày hôm nay để thảo luận về tình hình Mali. Theo Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ binh biến, đồng thời theo dõi sát sao tình hình biến động, kêu gọi người dân hãy cố duy trì hoạt động của các cơ quan dân chủ.
Từng giúp Mali đẩy lùi các tay súng thành chiến cực đoan năm 2013, chính phủ Pháp đã lên án mạnh mẽ cuộc binh biến, đồng thời kêu gọi các binh sĩ nổi dậy từ bỏ vũ khí và tôn trọng trật tự hiến pháp. Chính phủ Mỹ cùng ngày nhấn mạnh, nước này phản đối mọi hành vi lật đổ chính phủ đi ngược lại các khuôn khổ luật pháp.
Điều khiến các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế lo ngại là kịch bản năm 2012 có thể tái diễn khi các nhóm thánh chiến cực đoan lợi dụng tình hình bất ổn ở Mali để gia tăng các hoạt động chống phá và biến Mali thành bàn đạp để đe dọa an ninh của các quốc gia láng giềng.
Theo Thu Hoài/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)