Đằng sau việc triển khai đặc nhiệm Pháp ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Giới chuyên gia quân sự Nga “bật mí” động cơ thực sự của Paris đằng sau động thái triển khai lực lượng đặc nhiệm Pháp ở miền bắc Syria.

Hôm 9/6, các quan chức Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận việc triển khai các lực lượng đặc biệt của nước này ở miền bắc Syria với mục đích cố vấn cho Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong việc đánh chiếm thành phố Manbij từ tay phiến quân IS.
Dang sau viec trien khai dac nhiem Phap o Syria
 Lực lượng đặc biệt Pháp sẽ không trực tiếp giao chiến với phiến quân IS? Ảnh Sputnik
Một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp nói: "Cuộc tấn công Manbij rõ ràng là được hỗ trợ của một số các nước, trong đó có Pháp. Đây là sự hỗ trợ thông thường, trong vai trò cố vấn". Nhưng quan chức này không cho biết thêm chi tiết về việc triển khai đặc nhiệm Pháp ở miền bắc Syria.
Vị quan chức này đặc biệt nhấn mạnh rằng lực lượng đặc biệt Pháp sẽ không trực tiếp giao chiến với phiến quân IS.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đề cập đến vấn đề này và nói rằng quân đội Pháp sẽ giúp chiến dịch đánh chiếm thành phố Manbij "thông qua việc cung cấp vũ khí, sự hiện diện của các chiến đấu cơ và các cố vấn”.
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh do người Kurd chiếm ưu thế và được Mỹ hậu thuẫn, đang tiến sát ìa phía bắc của Manbij, một thành phố chiến lược của phiến quân IS và cầu nối giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và “thủ phủ” Raqqa của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Pháp đưa đặc nhiệm đến Syria có thể phản tác dụng
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga “bật mí” động cơ thực sự của Pháp đằng sau động thái triển khai lực lượng đặc nhiệm ở miền bắc Syria.
Đại tướng về hưu Leonid Ivashov, cựu giám đốc Cục tổng hợp trong Bộ Quốc phòng Liên Xô và hiện là phó chủ tịch Học viện về các vấn đề địa chính trị, nói rằng các lực lượng Pháp không tham gia chiến đấu trực tiếp: "Nhiều khả năng, các đơn vị của Pháp tiến hành các hoạt động trinh sát và điều khiển các cuộc không kích”.
Ông Ivashov cũng lưu ý rằng một nhóm khoảng 100 người không thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột. Sự hiện diện của Pháp ở Syria có ý nghĩa quan trọng về chính trị, bởi vì trong trường hợp này, Tổng thống Hollande có thể khoe rằng chính quyền của ông đang tích cực tham gia cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, chuyên gia Trung Đông Abdel Bari Atwan cho rằng việc Pháp đưa đặc nhiệm đến Syria có thể phản tác dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn với RT, chuyên gia Abdel Bari Atwan nói: "Tôi đã rất ngạc nhiên trước những tin tức nói về việc triển khai này. Thứ nhất, tại sao lại là các lực lượng đặc biệt của Pháp và thứ hai, tại sao lại vào thời điểm này? Tôi nghĩ rằng hành động này có thể phản tác dụng và không tốt đối với nước Pháp, nước hiện đang tổ chức giải Vô địch bóng đá Châu Âu”. Ông không thấy bất kỳ ý nghĩa trong động thái triển khai này vì đã là quá muộn.
Có phải vì đường ống dẫn khí đốt từ Qatar...
Tuy nhiên chuyên gia quân sự Nga Anatoly Nesmiyan lại có quan điểm hoàn toàn khác: "Syria từng lãnh thổ ủy nhiệm của Pháp và người Pháp tiếp tục theo dõi sát sao tình hình nước này. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là là người Mỹ đang cố gắng tạo ra một hành lang quá cảnh để vận chuyển khí đốt Iran. Nói cách khác, ý tưởng về hai đường ống dẫn khí đốt vẫn bị bế tắc bởi cuộc nội chiến Syria. Đường ống đầu tiên đến từ Qatar, Saudi Arabia qua Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vào châu Âu. Đường ống thứ hai chạy từ Iran, Iraq qua Syria đến Địa Trung Hải và vào châu Âu”.
Ông Anatoly Nesmiyan giải thích rằng việc tái chiếm thành phố Manbij là mối quan tâm chủ yếu, khi nó đáp ứng lợi ích của Mỹ và Châu Âu. Việc đánh chiếm Manbij sẽ cho phép kiểm soát thành phố biên giới Jerablus và đó là điều cần thiết để thống nhất hai bang của người Kurd ở Syria là Afrin và Kobane.
Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết chống lại kịch bản này, nhưng có vẻ như không ai ở phương Tây lắng nghe họ. Vấn đề ở chỗ, SDF đã bao vây thành phố Manbij, một việc không mấy khó khăn vì địa hình trống trải và có sự hỗ trợ trên không của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Nhưng người Kurd không thể một mình tiến vào thành phố Manbij vì điều này vượt quá khả năng của họ. Người Kurd không có lực lượng đặc biệt có thể chiến đấu hiệu quả trên đường phố.
Đó là chưa kể phiến quân IS đã điều chuyển một số lực lượng từ thành phố biên giới Azaz đến Raqqa và Manbij để củng cố các vị trí ở hai thành phố này. Đây có thể là một trong những lý do chính khiến lực lượng đặc nhiệm Pháp xuất hiện gần Manbij, nơi các lực lượng đặc biệt của Mỹ và Anh đang hoạt động.
Xét đến tầm quan trọng của thành phố Manbij, các chuyên gia không loại trừ việc người Mỹ và người Châu Âu sẽ đi đầu trong cuộc tấn công vào thành phố này.
...hay nhằm chia cắt Syria?
Ông Semyon Bagdasarov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á có trụ sở tại Moscow, cho rằng động thái triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ-Anh-Pháp sẽ dẫn đến việc chia cắt lãnh thổ Syria. Ông nói: "Hiện thời, người Pháp muốn giải quyết vấn đề Syria và cách đơn giản nhất là làm điều đó ở phía đông bắc của đất nước, cùng với người Mỹ".
Ông Semyon Bagdasarov cũng lưu ý rằng trong tháng 3/2016, người Kurd đã tuyên bố thành lập một khu vực liên bang ở phía bắc Syria. Họ cũng thiết lập một hội đồng thống nhất bao gồm người Kurd, người Arập, người Assyria, tín đồ Kitô giáo và người Turkmen. Ông khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những điều đó là nhằm chia cắt Syria".
Ông Semyon Bagdasarov cũng nhấn mạnh rằng khi cân nhắc lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc Syria - gần thành phố Azaz và gần Aleppo - Ankara đã được trao quyền tự do hành động. Như vậy, theo kế hoạch chia cắt Syria của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ - với sự giúp đỡ của các phiến quân và lực lượng đặc biệt - có thể đánh chiếm thành phố Aleppo. Phần lãnh thổ còn lại sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Damascus.

Minh Châu (Theo Sputnik News)

Bình luận(0)