Trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest, ông Thomas De Waal phân tích tình hình Crimea chịu tác động của các lệnh cấm vận do phương Tây và Ukraine áp đặt.
|
Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành luật sáp nhập Bán đảo Crimea vào Liên bang Nga.
|
Đã từng trải qua hai lần bao vây phong tỏa vô cùng tàn khốc tại thành phố cảng Sevastopol nổi tiếng trong Chiến tranh Crimea (1854-1855) và trong Thế chiến thứ II, lần này Crimea lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu áp đặt thêm một lệnh cấm vận được đánh giá là khắc nghiệt nhất thế giới khi tất cả các tuyến giao thương, đường vận tải và giao dịch ngân hàng đều bị chặn. Trên thực tế, các cơ chế cấm vận đối với bán đảo này còn hà khắc hơn so với nước Nga. Mức độ của nó được so sánh với các lệnh cấm vận áp dụng lên Cuba, Iran hay Sudan. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lệnh cấm vận dạng này được áp đặt lên một tỉnh.
Các biện pháp cấm vận hà khắc tới mức các luật sư Mỹ đã phải khuyến cáo khách hàng của mình không nên có bất cứ liên hệ nào với Crimea. Thậm chí, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất, chỉ có 25% linh kiện Mỹ, cũng nằm trong danh sách bị cấm vận.
|
Chính phủ Ukraine cắt các tuyến giao thông đường sắt và đường bộ tới Bán đảo Crimea.
|
Không chỉ có vậy, người dân Crimea còn phải chịu thêm những biện pháp trừng phạt nặng nề từ phía chính phủ Ukraine: cắt các tuyến giao thông, cắt nguồn cung cấp nước và năng lượng. Và nếu dự luật mới được Quốc hội Ukraine thông qua, Bán đảo Crimea sẽ bị phong tỏa hoàn toàn.
Mục đích của tất cả các biện pháp trừng phạt này là buộc Nga phải trả giá đắt khi sáp nhập Crimea và phải quay trở lại bàn đàm phán. Dường như cả Mỹ và chính quyền Kiev đều không có ý định nới lỏng các biện pháp cho tới khi đạt được mục đích của mình.
|
Kiev đã cắt nguồn cung cấp nước và sắp tới sẽ cắt nốt nguồn điện đối với Bán đảo Crimea.
|
Nhà kinh tế học người Nga Natalia Zubarevich đánh giá rằng việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã khiến cho Moscow phải tốn tiền rất nhiều. Riêng năm 2014, chính phủ Nga đã phải chi tới 3 tỷ USD để hỗ trợ trực tiếp bán đảo này. Bà Natalia Zubarevich dự đoán, những khoản hỗ trợ kinh tế khổng lồ vậy vẫn cần được tiếp tục cho tới năm 2020.
Tuy đã hứa sẽ nâng mức lương hưu và lương của quan chức chính phủ tại Crimea ngang bằng với mức trung bình ở Nga, nhưng chính phủ Nga vẫn không thể bù đắp được những tổn thất vô cùng to lớn khi dòng khách du lịch tới bán đảo xinh đẹp này sụt giảm nghiêm trọng và Moscow cũng chưa giải quyết được vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân Crimea.
|
Con kênh dẫn nước từ Ukraine đến Bán đảo Crimea cạn nước.
|
Lệnh cấm vận đang làm cho đời sống của người dân Crimea trở nên khốn khó hơn. Tuy nhiên, chính lệnh cấm này lại làm cho người dân nơi đây thêm thù địch với Ukraine và phụ thuộc vào Nga - điều chính phủ Kiev và phương Tây không hề mong đợi.
Andrei Sambros, một phóng viên của tờ Novaya Gazeta hiện đang thường trú tại Simferopol, cho biết, cuộc sống anh đã thay đổi nhiều từ sau ngày Crimea sáp nhập vào Nga: chỉ bay được tới Nga, thẻ tín dụng như Visa trở nên vô dụng, không một ngân hàng lớn nào mở cửa tại đây, không thể mua hàng từ hãng buôn bán trực tuyến Amazon, các gói đồ cần tới 3 tuần để đi từ Nga tới Crimea và đặc biệt là không thể dùng một số tiện ích của Google như Google Play và Gmail.
Người dân Crimea đang dồn hết hi vọng vào Moscow và đặc biệt là vào dự án xây dựng chiếc cầu dài 19 km, bắc qua kênh Kerch nối với Nga mà Moscow cho biết sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Nếu như lệnh cấm vận của phương Tây chỉ gây bất tiện với người dân Crimea thì việc cắt đứt mối liên hệ với Ukraine lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống hàng ngày của người dân. Các tuyến đường xe buýt, xe lửa nối Crimea và Ukraine đã bị cắt. Nguồn nước chính dành cho bán đảo này là kênh đào Bắc Crimea đã bị đóng cửa, khiến người dân nơi đây không có nước tưới cho đồng ruộng. Nguồn năng lượng từ Ukraine cung cấp cho cư dân nơi đây thường xuyên bị gián đoạn và thậm chí, người dân Crimea còn chịu cảnh mất điện diện rộng vào dịp năm mới 2014. Theo quy định mới, học sinh Crimea muốn trở thành sinh viên đại học tại Ukraine buộc phải chuyển bằng tốt nghiệp cấp ba sang bằng cấp tương đương ở Ukraine.
Tác giả Thomas De Waal cho rằng chiến thuật cấm vận đang áp dụng với Crimea khá giống với những gì mà các chính phủ liên tiếp của Gruzia áp dụng với hai vùng đất ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Tuy nhiên, chiến thuật này tại đây đã bị thất bại khi hai vùng đất ly khai nói trên trở nên “thân” Nga hơn. Vùng Abkhazia thậm chí đang hồi phục dần kinh tế và từng bước hội nhập vào kinh tế Nga. Chiêu cắt năng lượng ở Akhalgori, Nam Ossetia năm 2008 cũng tỏ ra phản tác dụng khi Nga nhanh chóng xây dựng các tuyến ống dẫn khí đốt mới thay thế cho tuyến đường ống của chính phủ Gruzia tới đây.
Từ thực tế tại khu vực Kavkaz, tác giả nhận định những năm tới sẽ là những năm vô cùng quan trọng: Nếu Nga có thể mang được nguồn nước tới cho dân Crimea và họ hoàn thành việc xây dựng cầu Kerch tới bán đảo, khi đó Ukraine sẽ mất đòn bẩy kinh tế hiện tại và việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ càng trở thành một sự đã rồi.
Hiện Ukraine chọn cách tăng cường cô lập Crimea, thậm chí tiến tới phong tỏa hoàn toàn quan hệ thương mại với khu vực bất chấp thực tế là giao thương giữa người dân khu vực phía Nam Ukraine và người dân Crimea vẫn tiếp diễn và giá trị thương mại hai chiều đạt khoảng 500 triệu USD chỉ tính riêng từ tháng 9/2014 tới tháng 2/2015.