Cuộc sống đầy sợ hãi dưới chế độ phiến quân IS

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người sống sót đã kể cho phóng viên hãng thông tấn AP về một cuộc sống đầy sợ hãi và bó buộc dưới chế độ phiến quân IS.

Chừng 5-8 triệu người dân hiện sống trong “Vương quốc Hồi giáo” mà mọi ngõ ngách của cuộc sống thường nhật đều đảo lộn dưới bộ luật hà khắc Shariah mà phiến quân IS áp dụng ở các vùng đất chúng chiếm giữ. Những người dân nhận thấy, đó là một cuộc sống đầy sợ hãi.
Ở “Vương quốc” đó, đàn ông phải xịt nước hoa để át đi mùi thuốc lá; các tài xế thường bật các kênh phát thanh của IS. Nếu bật nhạc trong lúc lái xe, họ còn phải chịu phạt 10 roi. Còn nữ giới phải mặc áo trùm màu đen từ đầu tới chân.
Cuoc song day so hai duoi che do phien quan IS
Anh Bilai Abdullah chụp ảnh ở ngôi làng Eski Mosul, miền bắc Iraq sau gần một năm IS chiếm giữ.
Cuộc sống của họ dường như không lối thoát. Thỉnh thoảng, có người tự dưng biến mất một cách bí ẩn. Những thân nhân của họ chỉ biết về số phận người thân qua những tờ giấy chứng tử mơ hồ hay thậm chí là một cuốn băng quay cảnh chặt đầu.
Các phóng viên hãng thông tấn AP đã ghi lại lời kể từ hơn 20 người dân Iraq và Syria về cuộc sống dưới chế độ IS. Một nhóm phóng viên AP đã tới Eski Mosul, ngôi làng nằm gần sông Tigris (thuộc Mosul). Làng này từng trải qua 7 tháng nằm dưới sự cai quản của IS sau khi dân quân người Kurd đánh bật nhóm Hồi giáo cực đoan hồi tháng 1/2015. Tuy nhiên, lực lượng IS vẫn đào hào trú ẩn cách ngôi làng chỉ một vài dặm. Người dân còn dễ dàng trông thấy các cột khói bốc lên trong những trận giao tranh ngoài chiến tuyến.
Trong khi đó, một nhóm phóng viên AP khác lên đường tới hai thị trấn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là Gaziantep và Sanliurfa. Đây là những địa điểm mà người tị nạn Syria sống tá túc trong cuộc hành trình chạy trốn khỏi lãnh thổ IS.
Trong các cuộc phỏng vấn này, những người tị nạn đã lấy các giấy tờ do bộ máy cầm quyền IS cấp cho họ, bao gồm thẻ “ăn năn”, danh sách kiểm kê các vũ khí do dân quân địa phương nắm giữ, những tờ rơi có nội dung nêu chi tiết quy định về trang phục của nữ giới. Tất cả các giấy tờ này đều in biểu tượng của IS.
“Mọi người căm ghét chúng (tức phiến quân IS). Tuy nhiên, họ cảm thấy thật thất vọng và không có bất cứ ai ủng hộ họ nếu họ đứng lên phản đối”, nam thanh niên 28 tuổi ngươi Syria tên Adnan thổ lộ.
Anh Adnan kể lại sự chuyển biến mà thành phố Raqqa của Syria trải qua sau khi IS chiếm được hồi tháng 1/2014. Lúc IS tràn vào, anh đã chạy trốn. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng do nhớ gia đình nên anh quay trở lại. Sau khi sống gần một năm ở thành phố giờ là thủ đô của ”Vương quốc IS” (tức Raqqa), anh hiện tị nạn ở thị trấn biên giới Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh Adnan kể, thủ phủ của Syria từng một thời nhộn nhịp nay hoàn toàn thay đổi. Phụ nữ giờ đây phải trùm áo đen che kín mít từ đầu tới chân. Họ vội vã chạy ra chợ mua đồ rồi liền quay trở về nhà. Còn các gia đình thường không rời khỏi nhà để tránh bất cứ sự soi mói nào của cảnh sát mật Hisba.
Theo lời kể của anh, các chiến binh IS đã biến sân vận động bóng đá thành trung tâm giam giữ và thẩm vấn. Người dân giờ đây gọi quảng trường trung tâm thành phố là quảng trường địa ngục, nơi được IS trưng dụng để tiến hành các vụ tử hình man rợ công khai.
Cuoc song day so hai duoi che do phien quan IS-Hinh-2
 Cựu binh lính Quân đội Iraq Salim Ahmed cho phóng viên xem tấm thẻ “ăn năn” mà IS cấp cho anh hồi tháng 6/2014.
Khi các chiến binh IS tràn về ngôi làng Eski Mosul (Iraq), anh Abdullah Ibrahim biết rằng, vợ mình – một nhà hoạt động nhân quyền từng tranh cử vào hội đồng nhân dân địa phương - sắp gặp rắc rối. Anh Buthaina Ibrahim bảo rằng: “Cô ấy (tức vợ anh) nói sẽ không bao giờ cúi đầu trước IS”.
Quả thực, IS bắt chị Buthaina (vợ anh Abdullah) phải ký vào tấm thẻ “ăn năn” với nội dung tự nguyện trung thành với nhóm cực đoan này. Hầu như dưới chế độ IS,  tất cả các cựu cảnh sát, binh sĩ chính phủ phải ký vào những tấm thẻ này. Chẳng những vậy, họ còn phải luôn luôn mang nó theo mình như thẻ hộ mệnh bất kể lúc nào. Anh đã thuyết phục vợ chạy trốn để khỏi mất mạng. Tuy nhiên, do nhớ gia đình và đặc biệt là những đứa con, vợ anh Abdullah đã quay trở về nhà không lâu sau đó. Tới đầu tháng 10/2014, các chiến binh IS đã bao vây nhà họ và dẫn giải cô đi.
Một ngày nọ, anh Ibrahim nhận được tờ giấy chứng tử của vợ do “tòa án IS” cấp. Tờ giấy chỉ có nội dung rằng, cái chết của vợ anh đã được xác minh. Thậm chí, anh còn không biết thi thể người vợ xấu số hiện ở nơi nào. Tuy giờ ngôi làng của anh đã được giải phóng khỏi IS, nhưng anh vẫn giữ tờ chứng tử đó như sợi dây kết nối với vợ mình. “Bởi vi tờ giấy đó có tên vợ tôi trên đó”, anh giải thích.
Trong khi đó, cựu binh sĩ cùng sống trong ngôi làng anh Ibrahim tên Salim Ahmed vẫn giữ thẻ “ăn năn”. “Chúng tôi sống rất gần chiến tuyến. Ngày nào đó, họ (tức IS) có thể quay trở lại và hỏi tôi về tấm thẻ đó một lần nữa”, anh Salim nói.
Thanh Nga (theo AP)

Bình luận(0)