Những rạn nứt ngay sau khi thỏa thuận Geneva
Cuộc hội đàm bốn bên giữa Mỹ, EU, Ukraine và Nga đã làm nhiều nhà quan sát phải ngạc nhiên khi kết thúc với một tuyên bố nhằm làm giảm căng thẳng tình hình ở Ukraine và ngăn ngừa chiến tranh ở nước này.
Tuy nhiên, cả nội dung của bản tuyên bố Geneva và thái độ hoài nghi của các bên tham gia cuộc hội đàm đều cho thấy bản tuyên bố này khó có thể giúp giảm căng thẳng xung quanh Ukraine. Thay vào đó, bản tuyên bố Geneva dường như là một chiến thắng quan trọng trong chiến lược của Nga.
Từ cái nhìn đầu tiên, bản tuyên bố Geneva cho thấy nó chứa đựng các điều kiện tiên quyết cho giải pháp hòa bình cho khủng hoảng ở Ukraine.
Các bên đều kêu gọi ngăn chặn bạo lực, dừng các hành động khiêu khích, cực đoan. Các nhóm vũ trang cũng được kêu gọi bỏ vũ khí và trả lại các khu vực công cộng và tòa nhà chính quyền bị chiếm đóng. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng sẽ tham gia theo dõi quá trình thực thi các điều khoản. Một quá trình lập hiến cũng bắt đầu ở Ukraine bao gồm việc đối thoại rộng khắp ở các tỉnh Ukraine.
|
Hội đàm 4 bên ở Geneva ngày 17/4.
|
Song song với các bước đi chính trị, các biện pháp hỗ trợ kinh tế và tài chính cũng được cộng đồng quốc tế thỏa luận. Tất cả đều cho thấy, các bên tham dự cuộc hội đàm Geneva đều thực sự mong muốn giảm căng thẳng ở Ukraine.
Tuy nhiên, ngay sau khi bản thỏa thuận Geneva được đưa ra, các bên tham dự đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về bản thỏa thuận này.
Trong khi Ukraine và phương Tây yêu cầu những người biểu tình ở miền đông Ukraine giải giáp và trả lại các tòa nhà chính quyền và công trình công cộng thì Nga lại cho rằng những người biểu tình thân châu Âu ở quảng trường Maidan cũng phải giải giáp.
Trong khi Kiev, Brussels và Washington nhấn mạnh vào việc trao nhiều quyền lực hơn cho các tỉnh thay vì tập trung quyền lực trung tâm thì Moscow lại tiếp tục kêu gọi liên bang hóa Ukraine bao gồm việc cho phép các tỉnh có chính sách ngoại giao và kinh tế riêng.
Trong ngắn hạn, cuộc hội đàm Geneva đã không đưa đến sự đồng thuận nhưng đã cung cấp một nền tảng để Nga nhắc lại quan điểm của nước này.
Hạn chế của thỏa thuận Geneva
Như Tổng thống tạm quyền Ukraine từng nhận xét: nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc khủng hoảng Ukraine không được nhắc đến trong tuyên bố sau cuộc hội đàm Geneva.
Việc Nga sáp nhập Crimea không được nhắc đến. Trong khi, Ukraine và phương Tây không đề cập đến vấn đề Crimea nhằm tạo điều kiện đàm phán, điện Kremlin đã nhanh chóng nhận ra sự im lặng này là sự thừa nhận việc Crimea thuộc về Nga.
Cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine được dự định tổ chức vào ngày 25/5/2014, cũng không được nhắc đến như một điều khoản quan trọng trong bất cứ giải pháp chính trị nào cho khủng hoảng ở Ukraine. Điều này đã mở ra con đường giúp Moscow đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử này.
|
Người biểu tình từ chối rút ra khỏi các tòa nhà chính quyền vì cho rằng chính quyền lâm thời Kiev cũng bất hợp pháp. |
Việc Nga triển khai số lượng lớn quân dọc biên giới phía đông Ukraine cũng không được giải quyết. Điều này khiến cho Kiev vẫn phải chịu sự đe doa chiến tranh dai dẳng từ Moscow.
Cuối cùng, cuộc hội đàm Geneva không đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc giảm căng thẳng. Điều này là sự cần thiết cơ bản cho các nước phương tây để đánh giá các hành động của họ, bao gồm các lệnh trừng phạt.
Như vậy, thỏa thuận Geneva đã tạo nhiều khoảng trống hơn cho Nga hoạt động ở Ukraine thay vì hạn chế.
Thỏa thuận Geneva giúp Nga có thêm thời gian
Nga cần nhiều thời gian hơn để tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân địa phương để tạo động lực ly khai cho các tỉnh miền đông Ukraine, và thỏa thuận Geneva với một lộ trình không rõ ràng đã tạo ra thêm thời gian cho Nga.
Đối mặt với sự cô lập chính trị của chính quyền quốc tế, Moscow cần phải tìm kiếm các đồng minh tiềm năng bao gồm Belarus hay Kazakhstan. Để có thể có sự đồng thuận của 2 nước này, Nga cần ký hiệp ước thành lập Liên minh Âu – Á. Nga cũng cần sự đồng thuận của Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Putin tới nước này. Cả 2 sự kiện này đều diễn ra trong tháng 5/2014. Điều Nga cần nhất vẫn là thời gian.
Cũng nhờ hội nghị Geneva, phương Tây khó có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt nào cho Nga khi cánh cửa đàm phán vẫn còn mở.
Như vậy, thỏa thuận đạt được ở Geneva có thể coi là chiến thắng chiến lược cho Nga.