CP Mỹ đóng cửa: Điểm mặt những người giữ chìa khóa

Google News

(Kiến Thức) - Họ có vai trò và vị trí quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán hiện tại, nắm giữ chìa khóa hóa giải bế tắc chính trị đang khiến Mỹ lao đao.

Lần đầu tiên trong suốt 17 năm qua, chính phủ liên bang Mỹ đã bị buộc phải đóng cửa vì mâu thuẫn gay gắt giữa Tổng thống Barack Obama và phe Cộng hòa về dự chi ngân sách liên quan đến đạo luật chăm sóc sức khỏe được gọi là Obamacare. Chính phủ liên bang đã đóng cửa hết ngày thứ 5 liên tiếp song vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu đột phá nào. Dường như khó mà tưởng tượng rằng các chính trị gia ở Điện Capitol sẽ không giải quyết bế tắc, để mặc kịch bản tồi tệ nhất xảy ra. Song không gì là không thể, nhất là khi các bên đều tỏ ra bảo thủ, cứng rắn với yêu sách của mình và không chịu nhượng bộ trên bàn đàm phán. Dưới đây là những nhân vật có vai trò và vị trí quan trọng nhất trên bàn đàm phán, nắm giữ chìa khóa hóa giải bế tắc chính trị nước Mỹ.
1. Tổng thống Barack Obama
 Tổng thống Obama bị bắt gặp khi đi mua bánh mỳ cùng Phó Tổng thống Joe Biden với tâm trạng bình thản trong bối cảnh chính phủ liên bang đóng cửa hôm qua.
Cho đến nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn giữ vững lập trường kiên quyết: không đàm phán về Obamacare hoặc bất cứ điều gì khác cho đến khi Đảng Cộng hòa tái mở cửa chính phủ và chấp thuận nâng mức trần nợ công. Trong cuộc thảo luận với các thành viên cấp cao của Quốc hội hôm 2/10, Tổng thống Obama thẳng thừng cự tuyệt bất cứ nhượng bộ nào. Hôm qua, Tổng thống Obama bị bắt gặp đi bộ bên ngoài Nhà Trắng mua bánh mỳ với thái độ thoải mái, bình tĩnh. Tuy nhiên, áp lực sẽ ngày càng lớn hơn cho cả ông lẫn phe Cộng hòa nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa và Mỹ đang tiến gần hơn mốc chạm trần nợ công vào ngày 17/10, đẩy nước này tới nguy cơ vỡ nợ.
2. Thượng nghị sĩ Ted Cruz
Ông Ted Cruz (bên phải).
Thượng nghị sĩ đến từ Texas mới tới Thượng viện chưa đầy một năm nhưng đã nhanh chóng khẳng định mình là một trong những thành viên bảo thủ nhất ở đây. Kiêu ngạo nhưng tài ba và nhanh trí, ông là một nhân vật đáng gờm đối với phe Dân chủ nhưng lại làm hài lòng nhiều thành viên Cộng hòa, với cách tiếp cận lập pháp "không nhân nhượng".
Mới nổi lên mạnh mẽ gần đây, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz đã cùng với người đồng đảng, Thượng Nghị sĩ tiểu bang Utah, Mike Lee cũng mới bước vào Thượng viện nỗ lực thúc đẩy Quốc hội bác bỏ việc cấp ngân sách cho chương trình y tế (Obamacare) do Tổng thống Obama đề xuất. Đỉnh điểm của nỗ lực này là bài phát biểu chỉ trích Obamacare suốt 21 giờ đồng hồ tại Thượng viện. Theo đó, Ted Cruz trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của khối các thượng nghị sĩ trẻ có chung mục tiêu loại bỏ Obamacare. Song cúng có một số người cho rằng, “cuộc chiến của quý ngài Cruz” đang đẩy Đảng Cộng hòa vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và có thể gặp bất lợi trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2014.
3. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid
 Ông Harry Reid.
Thượng nghị sĩ bang Nevada Harry Reid là thủ lĩnh của phe Dân chủ ở Thượng viện – nơi đảng của ông giữ đa số ghế với tỷ số 55-45. Harry Reid quyết liệt theo đổi đuổi đường lối cứng rắn trước bế tắc chính phủ đóng cửa. Ông yêu cầu Tổng thống Obama không nhượng bộ và gay gắt tố cáo phe Cộng hòa đóng cửa chính phủ. Harry Reid tuyên bố, cương quyết không chấp nhận bất cứ dự luật nào không bao gồm việc tái mở cửa lại toàn bộ chính phủ. Ông cũng mạnh mẽ khẳng định sẽ không thỏa hiệp với những kẻ không công nhận Obamacare.
4. Chủ tịch Hạ viện John Boehner
Ông John Boehner.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa thực dụng bị tác động và ảnh hưởng bởi Đảng Trà (phe phản đối Obamacare mạnh mẽ) hiện đang nắm giữ một liên minh khá mỏng manh ở Hạ viện bao gồm các thành viên bảo thủ lẫn ôn hòa hơn. Dù ngày càng nhiều thành viên Cộng hòa kêu gọi chấm dứt bế tắc và nhượng bộ phe dân chủ song ông John Boehner vẫn tỏ ra cứng rắn. Ông ra yêu sách cho phe Dân chủ để nhượng bộ về Obamacare hòng đổi lấy dự luật tài chính, tái mở cửa chính phủ. Ông cũng cáo buộc Nhà Trắng về thái độ bất hợp tác trong các cuộc đàm phán.
5. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi
 Bà Nancy Pelosi.
Bà là lãnh đạo của phe Dân chủ ở Hạ viện. Sứ mệnh của bà là đảm bảo các nghị sĩ Dân chủ thống nhất trong việc phản đối bất cứ dự luật nào có mục tiêu loại bỏ Obamacare. Bà Nancy Pelosi cũng lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện chống lại chiến lược tái mở cửa chính phủ từ từ, từng phần của phe Cộng hòa chứ không phải là chấm dứt hoàn toàn bế tắc hiện nay.
6. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell
 Ông Mitch McConnell.
Ông là lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện và thường là người tốt nhất đối với Nhà Trắng trong bất cứ thỏa thuận nào. Trong cuộc tranh luận về ngân sách, ông từng lên tiếng phản đối đóng cửa chính phủ vì Obamacare song không tích cực và mạnh mẽ bảo vệ quan điểm của mình. Ông cũng từng tuyên bố không ủng hộ cách tiếp cận của ông Cruz song không dám mạo hiểm phản đối.
7. Dân biểu Peter King
Dân biểu Cộng hòa Peter King
Dân biểu Cộng hòa của New York theo đường lối ôn hòa hơn là một trong những thành viên đầu tiên kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Boehner từ bỏ chiến lược mà phe Cộng hòa cứng rắn đang theo đuổi đồng thời tiến tới đàm phán, thỏa hiệp với phe Dân chủ. Một số thành viên phe Cộng hòa khác đã ủng hộ quan điểm của ông King.
“Ted Cruz đã đẩy chúng ta tới bước đường này. Đây là một thảm họa ngay từ đầu. Tôi đã đoán trước được điều này. Đây là những gì mà giới lãnh đạo (Cộng hòa) đã dự đoán cách đây 3 tuần khi họ cam kết sẽ không bao giờ theo đuổi chiến lược từ chối cấp ngân sách bởi nó gây ra bất lợi cho chúng ta. Chúng ta sẽ bị quy trách nhiệm (về bê bối đóng cửa chính phủ)”, ông King nhấn mạnh.
Bạch Dương (Theo Telegraph)

Bình luận(0)