Ấy thế mà, nhà nhân chủng học Yury Krupnov lại đề nghị chuyển thủ đô của Liên bang Nga tới một khu vực gần Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi ông gọi là trung tâm của bản đồ địa kinh tế thế giới.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngắm khu vực Viễn Đông mênh mông rộng lớn qua cửa sổ chuyên cơ. Ảnh: Siberian Times |
Nhà nhân chủng học Krupnov cho rằng sự phát triển của vùng Viễn Đông và Siberia bị cản trở bởi việc dân số, tài chính, nguồn lực và phát triển kinh tế tập trung xung quanh thủ đô Moscow. Ông cảnh báo: "Sự tăng trưởng tự do và vô độ của Moscow trong bối cảnh tình trạng sa mạc hóa, suy giảm dân số và sự sụp đổ của phần còn lại của Liên bang Nga trong nửa thế kỷ trở lại đây đã trở thành nguy cơ và trở ngại chính cho đất nước chúng ta”.
Ông Yury Krupnov, phụ trách Ban Kiểm soát của Viện Dân số, Di cư và Phát triển khu vực, nói rằng cần có các biện pháp cực đoan. Ông giải thích: “Tổng thống (Putin) nói rằng khu vực Viễn Đông của đất nước sẽ trở thành một ưu tiên tuyệt đối đối với chúng ta trong suốt thế kỷ 21. Và điều này phản ánh thực tế của chúng ta, bởi vì khu vực Viễn Đông của Liên bang Nga nằm ở trung tâm bản đồ địa kinh tế hiện đại. Khu vực này gần Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và chỉ cách Mỹ có một đại dương”.
Theo ông Krupnov, khu vực Viễn Đông với dân số chỉ 6 triệu người không thể đại diện cho Liên bang Nga trong việc phát triển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, do đó việc chuyển giao trung tâm quyền lực là cần thiết. Ông nói tiếp: "Khu vực xung quanh thành phố Moscow đã thu hút gần 1/5 tổng dân số, nhưng chỉ chiếm 3% tổng diện tích Liên bang Nga”.
Trong một nghiên cứu về động lực dân số, ông Krupnov nêu ra thực tế một nửa dân số 144 triệu người của Liên bang Nga hiện đang sống làm việc tại 15 thành phố lớn nhất và chính sách của chính phủ tập trung vào sự phát triển những thành phố lớn này.
Đề xuất về phát triển cân bằng ở Liên bang Nga của ông Krupnov bao gồm 11 biện pháp, trong đó đầu tiên là "việc chuyển thủ đô của nước Nga qua dãy núi Urals về phía đông của đất nước".
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà nhân chủng học Yury Krupnov cho rằng nên chuyển thủ đô Liên bang Nga đến khu vực xung quanh thành phố khoa học vũ trụ Tsiolkovsky trên lãnh thổ Amur của vùng Viễn Đông, cách biên giới Trung Quốc hơn 100 km.
Đề xuất dời đô của ông Krupnov đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông Nga, trong khi hầu hết các quan chức và nghị sĩ được phỏng vấn chống lại ý tưởng này, đặc biệt là Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin.
Thị trưởng Sobyanin viết trong một bài đăng trên trang xã hội truyền thông VKontakte: "Quí vị đang nói về việc bỏ ra 1 hoặc 2 nghìn tỷ đô la để đẩy các quan chức cách xa 110 triệu người Nga sống ở châu Âu đến 8.000 cây số. Chúng ta từng có các quan chức bị lưu đày ở Siberia và vùng Viễn Đông. Đó là một cách ít tốn kém hơn rất nhiều (để đạt được mục đích đó)”.
Nghị sĩ Pavel Krasheninnikov, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia về Xây dựng và Pháp luật, cho biết ông không thấy sự cần thiết phải di chuyển thủ đô và nói rằng đây là một "vấn đề vô cùng tốn kém".
Tuy nhiên, một chính trị gia chính trị đã lập luận rằng đề xuất này cần được xem xét nghiêm túc.
Ông Dmitry Orlov, thành viên của đảng “Nước Nga thống nhất” của Tổng thống Putin, đã trình bày quan điểm của ông trên Facebook và nói thêm rằng đây là ý kiến cá nhân chứ không phải là quan điểm của đảng.
Ông Orlov viết trên Facebook: "Moscow nằm cách xa trung tâm địa lý của Nga và sự phát triển của nó dẫn tới bành trướng - từ sự tập trung siêu thu nhập vào thủ đô đến tình trạng quá tải của nó. Chỉ với hai điều kiện này là đủ để bắt đầu một cuộc thảo luận nghiêm túc về việc chuyển thủ đô qua dãy núi Urals hoặc một nơi nào đó trong vùng Volga hoặc Tây Siberia.Tuy nhiên, theo tôi, khả năng thực hiện kịch bản như vậy là thấp”.
Các phương tiện truyền thông Nga đã tiến hành một cuộc khảo sát thu thập được hơn 5.000 phản hồi, với hơn 50% ủng hộ đề xuất của nhà nhân chủng học Krupnov.
Yury Krupnov cho biết ông vẫn đang chờ đợi một sự phản hồi chính thức từ Moscow.