Chuyến thăm Ukraine của ông Abe trong con mắt người Nga

Google News

(Kiến Thức) - Về việc Thủ tướng Nhật Bản thăm Ukraine, một chuyên gia Nga cho rằng đây là sự ủng hộ chính quyền Kiev, theo xu hướng chung của Nhóm G7.

Trả lời phỏng vấn độc quyền của Đài phát thanh Sputnik về việc Thủ tướng Nhật Bản thăm Ukraine, cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Aleksandr Panov và hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Mỹ- Canada nói: "Hiện thời, trong tầng lớp tinh hoa chính trị ở Nhật Bản có hai luồng quan điểm. Một quan điểm cho rằng đã đến lúc thay đổi lập trường đối với Nga và trong quan hệ với Ukraine. Luồng quan điểm khác chiếm ưu thế như trước đây cho rằng Nhật Bản là một thành viên của Nhóm G7 và cần phải tiếp tục hành động  theo lập trường chung của nhóm này. Vì thế mà Thủ tướng Abe lên đường đi Ukraine. Nói đúng ra, chuyến đi này chẳng có ý tưởng gì, ngoài việc phô trương sự ủng hộ chế độ cầm quyền hiện nay ở Kiev, theo xu hướng chung của Nhóm G7".
Chuyen tham Ukraine cua ong Abe trong con mat nguoi Nga
Cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản Aleksandr Panov và hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Mỹ-Canada. 
Theo cựu đại sứ Aleksandr Panov, Thủ tướng Abe đang cố luồn lách giữa hai luồng quan điểm kể trên. Khi Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Naryshkin đến Nhật Bản, Thủ tướng Shindzo Abe đã hội đàm với vị thượng khách Nga này. Và nếu so với năm ngoái, ông Abe không tiếp ông Naryshkin, thì đây là bước tiến nhất định theo hướng tăng cường đối thoại với Nga. Nhưng mặt khác, việc đó không được thực hiện một cách chủ động. Báo chí cho biết, khi ở Mỹ, Thủ tướng Abe nói với Tổng thống Obama rằng Nhật Bản dự định mời Tổng thống Nga Putin, thì ông chủ Nhà Trắng đã ám chỉ rằng làm vậy là quá sớm.
Nhưng sau đó lại có chuyện Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bay đến Sochi và Tokyo cho rằng đây là một tín hiệu. Tokyo lập tức tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Naryshkin.
Cựu đại sứ Aleksandr Panov nói điều thú vị là ngay sau đó có phản ứng từ Washington. Phía Mỹ  tuyên bố rằng trên thực tế chuyến đi Sochi của Ngoại trưởng John Kerry không có nghĩa là Mỹ thay đổi chính sách đối với Nga. Vì thế ông Thủ tướng Abe lâm vào tình thế “tiến, thoái lưỡng nan”. Mặc dù vẫn nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Nhật Bản được ghi trong chương trình nghị sự, nhưng Tokyo hoàn toàn không làm gì để xúc tiến thực thi chuyến thăm này.
Ông Panov cho rằng hiện cũng không hội đủ điều kiện cho chuyến thăm của Tổng thống Putin bởi vì phía Nhật Bản không có đề xuất đáng kể nào để phát triển quan hệ Nhật-Nga. Ông Panov nói: "Dù sao đi chăng nữa, có quan điểm ngày càng gia tăng (ở Nhật Bản) cho rằng cần xúc tiến cuộc đối thoại nào đó với Nga (và) …Ukraine chẳng liên quan gì tới bang giao Nga-Nhật. Ukraine phần nhiều là vấn đề của Châu Âu. Và Diễn đàn kinh tế Nga-Nhật tiến hành ở Tokyo ngày 21/5 cho thấy các đại diện doanh nghiệp đều mong muốn phát triển quan hệ song phương. Hơn nữa, nhiều chính khách thấy có lý do quan trọng để phát triển quan hệ với Nga…Khi phải đối mặt với áp lực từ phương Tây, Liên bang Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Điều này khiến người Nhật e sợ rằng có thể phải chịu tác hại đáng kể trên bình diện chính trị. Vì thế, có một số chuyển biến.  Nhưng xu thế cơ bản của ‘tình đoàn kết’ với phương Tây, với nhóm G7 vẫn được bảo lưu (ở Nhật Bản). Nhật Bản sẽ định hướng theo lập trường chung của phương Tây. Mỹ có lập trường cứng rắn hơn cả đối với Nga và đối với Nhật Bản, ý kiến của Mỹ vẫn là quan trọng hơn so với lập trường của Châu Âu”.
Cựu đại sứ Aleksandr Panov kết luận: “Do đó, trong tương lai gần, không nên chờ đợi cái gì đó mới mẻ trong quan hệ của Nhật Bản với Nga”.  
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)