Chính trường Pháp chao đảo sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu

Google News

Cuộc bầu cử lập pháp sớm ở Pháp sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới, chưa đầy một tháng trước khi Olympic Paris 2024 chính thức khai mạc.

Trong bối cảnh một số đảng cánh tả thành lập liên minh tranh cử còn đảng cánh hữu Những người Cộng hòa bị chia rẽ nghiêm trọng, diễn biến trên chính trường Pháp hiện rất phức tạp, khó dự đoán.
Bất ngờ ở phút chót trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đã có nhiều bất ngờ lớn xảy ra tại chính trường Pháp, khi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) đã giành chiến thắng vang dội, dẫn đầu với khoảng hơn 30% số phiếu ủng hộ, gấp đôi so với các đảng phái khác và chiếm 30 trên tổng số 81 ghế tại Nghị viện châu Âu dành cho Pháp.

Kết quả này đã được một số chuyên gia dự báo trước nhưng với mức độ nhẹ hơn, khoảng từ 20-24% tổng số phiếu và thấp hơn so với liên minh “Phục hưng” theo đường lối trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron.        

Chinh truong Phap chao dao sau cuoc bau cu Nghi vien chau Au

Tổng thống Phap Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, liên minh “Phục hưng” chỉ đạt được 16% tổng số phiếu. Kết quả này đã khiến Tổng thống Pháp "bị sốc" và tuyên bố giải tán quốc hội và yêu cầu người dân Pháp một lần nữa đi bầu cử vào ngày 30/6 và 7/7 tới. Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định mang tính "nhất thời" của ông Macron bởi làn sóng ủng hộ phe cực hữu đã lan rộng ở Pháp từ nhiều tháng nay. Và chính phủ của ông Macron đã không còn mạnh mẽ như xưa khi dưới thời cựu Thủ tướng Elizabeth Borne, liên tục phải dùng điều 47.3 để thông qua các dự luật. Việc ép buộc các đảng chính trị liên tục phải làm ngơ trước các quyết định có phần chuyên chế của mình khiến nhiều người ủng hộ phe ông Macron bất mãn. Đây là một quá trình tích lũy lâu dài từ vài năm trở lại đây.

Thêm vào đó, ông Macron hiện đang ở giữa nhiệm kỳ thứ 2 và cũng là nhiệm kỳ cuối với tư cách là Tổng thống Pháp. Thế nên trọng tâm của ông Macron không nằm ở việc lấy lòng người dân mà đang cố gắng để thực hiện những gì ông cho là đúng. Việc ông liên tục bổ nhiệm những thành viên thuộc nhóm kín chơi thân với Tổng thống, được giới chuyên môn gọi là "Les Macronistes" (tạm dịch: Những người theo tư tưởng Macron), như Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp, Gabriel Attal hay Bộ trưởng ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné càng khiến người dân mất lòng tin. Kể từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Pháp gần như không làm được gì để thay đổi tình hình mà như trở nên vô hình với các phát ngôn có phần non trẻ của mình. 

Đến thời điểm hiện tại, nhiều khả năng, ông Macron sẽ phải chịu sự chi phối của các liên minh cực hữu đang dần thành hình trong Quốc hội. Do đó, ông đang dùng quyền hạn của mình để cố gắng thay đổi cục diện. Đây cũng là cơ hội để Tổng thống Pháp tái thiết lập lại bố cục chính trị trong Quốc hội và một lần nữa quay trở lại thế chủ động.

Những kịch bản có thể xảy đến trên chính trình Pháp   

Với sự tự tin từ cuộc bầu cử trước đó vào năm 2022, Tổng thống Pháp hiện đang nhấn mạnh vào sự trỗi dậy của phe cực hữu với mong muốn đánh thức người dân Pháp và tái thiết lập lại sử ủng hộ của đại đa số.   

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác xa so với cách đây 2 năm. Kể từ khi ông Macron tái đắc cử, nước Pháp liên tục phải đối diện với những đợt khủng hoảng, từ kinh tế cho đến chính trị và cả giáo dục… Chưa kể đến những hành động của Tổng thống Pháp trong việc ủng hộ Ukraine khiến ngay cả những người thuộc Bộ ngoại giao Pháp phải thốt lên là "không thể hiểu nổi". Người dân Pháp đang lo lắng về nguy cơ xảy ra chiến tranh, lo lắng về kinh tế cá nhân khi Pháp là một trong những nước đắt đỏ nhất châu Âu, chỉ xếp sau Vương Quốc Anh nếu so sánh giữa thu nhập và chỉ số lạm phát.   

Nhiều khả năng, trong cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp, dư luận sẽ chứng kiến nhiều kết quả bất ngờ. Kịch bản đầu tiên, cũng là kết quả mà ông Macron hướng tới, đó là sự xuất hiện của một "khối trung tâm" đủ sức vượt qua sự ảnh hưởng của đảng cánh hữu "Tập hợp quốc gia" (RN) và đảng cánh tả "Nước Pháp bất khuất" (LFI). Khi đó ông sẽ có đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Tổng thống Pháp tin rằng các cử tri sẽ cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ phiếu bầu. Viễn cảnh ông Jordan Bardella, Chủ tịch đảng cực hữu RN lên làm Thủ tướng sẽ có thể là cơn ác mộng vợi đại đa số cử tri Pháp thuộc tầng lớp trung và thượng lưu. Mặt khác, ông Macron cũng đặt hy vọng vào một lượng lớn phiếu bầu của những người dân Pháp chưa có ứng cử viên thích hợp. Trên thực tế trong cuộc bầu cử năm 2022, có hơn 6,1 triệu cử chi đã từ chối bỏ phiếu cho bà Valerie Hayer, đại diện đảng "Phục hưng" và bầu cho ông Macron như một lựa chọn thay thế.

Chinh truong Phap chao dao sau cuoc bau cu Nghi vien chau Au-Hinh-2

Bà Valerie Hayer, đại diện đảng "Phục hưng". Ảnh: Les Echos

Kịch bản thứ hai là RN chiếm được đại đa số tuyệt đối. Các chuyên gia nhận định khả năng này rất thấp nhưng trong bối cảnh hiện tại, điều gì cũng có thể xảy ra. Trong trường hợp này, Tổng thống sẽ phải gọi Jordan Bardella đến điện Matignon để cùng chung sống.

Kịch bản thứ ba đó là đảng "Tập hợp quốc gia" sẽ chiếm ưu thế nhưng chưa đạt được đại đa số 289 ghế cần thiết. Khi đó, Tổng thống Pháp sẽ chuyển hướng sang các đại biểu đảng “Những người Cộng hoà” (LR) cánh hữu với hy vọng họ sẽ đồng ý ủng hộ chính phủ hoặc thuyết phục một số người trong số họ chấp nhận các chức vụ bộ trưởng. Ông Macron sẽ lôi kéo đảng LR để ổn định tình hình chính trị quốc gia và tiết chế sự cuồng nhiệt của RN. Đây cũng sẽ là một tình huống cùng nhau cộng sinh.

Kịch bản thứ tư là quyền chủ động nằm trong tay liên minh "Mặt trận Nhân dân mới" (NFP). Đây là liên minh mới được thành lập bao gồm các đảng Xã hội, đảng Cộng sản, các nhà Sinh thái học và đảng "Nước Pháp bất khuất" sau khi Tổng thống Pháp tuyên bố giải tán Quốc hội. Và trong kịch bản này, liên minh sẽ đạt được đa số tuyệt đối. Nhưng điều này sẽ khó có thể xảy ra bởi tỉ lệ bầu cử của các đảng phái nói trên khá thấp và họ đang bị chia rẽ sâu sắc về các chủ đề nóng như việc ủng hộ Ukraine, tình hình ở Trung Đông hay tình hình EU.

Kịch bản cuối cùng là sự hỗn loạn trong Quốc hội khi không có bất kỳ đảng phái hay liên minh nào đạt được đại đa số. Trong bối cảnh này, việc Tổng thống chọn thủ tướng sẽ rất phức tạp và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ vô cùng nghiêm trọng tại Pháp.

Kế hoạch củng cố liên minh Quốc hội của Tổng thống Pháp 

Theo các chuyên gia, Tổng thống Pháp nên tập trung vào việc xây dựng và củng cố "khối trung tâm" để có thể vượt qua được sự ảnh hưởng của đảng cánh hữu "Tập hợp quốc gia" (RN) và đảng cánh tả "Nước Pháp bất khuất" (LFI). Ông Macron cần cân nhắc kỹ từng đảng phái để lựa chọn một liên minh phù hợp, có chung chí hướng để vừa đạt được đại đa số, vừa dễ dàng trong việc lựa chọn Thủ tướng và quan trọng nhất là tránh được sự hỗn loạn trong Quốc hội.

Ông Macron cũng cần chú trọng việc cân bằng các thế lực chính trị để có thể chiếm lại quyền chủ động trong trường hợp đảng RN có ưu thế nhưng chưa chạm đến đại đa số tại Quốc hội. Việc ông Macron có thêm được nhiều đồng minh sẽ giúp cho ông dễ thở hơn trong Quốc hội mới.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp cũng nên cân nhắc tới việc tăng cường sự ủng hộ cho liên minh cánh tả "Mặt trận Nhân dân mới" bởi họ là những ứng cử viên sáng giá và là đối trọng lớn của đảng cánh hữu "Tập hợp quốc gia". Liên minh này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc làm chậm bước tiến của RN.

Tuy nhiên, việc cấp thiết nhất lúc này đối với ông Macron, đó là làm ra các dự tính cho mọi viễn cảnh bầu cử có thể xảy ra và sẵn sàng tâm lý để thỏa hiệp kể cả trong tường hợp xấu nhất, đó là sự hỗn loạn trong Quốc hội khi không có bất kỳ đảng phái hay liên minh nào đạt được đại đa số.

Theo Anh Tuấn/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)