|
Tổng thống Obama không hài lòng với chính sách đối ngoại Mỹ.
|
Đó là nhận xét của chuyên gia Frida Ghitis đăng trên trang mạng
CNN. Theo bà Ghitis, ông Obama lên làm tổng thống sau khi vị thế quốc tế của Mỹ bị xói mòn bởi cuộc chiến tranh Iraq do người tiền nhiệm George W. Bush khởi xướng. Kể từ đó, hàng loạt các vấn đề đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington đặt nước này vào trong những lựa chọn khác nhau trong nhiều trường hợp, từ xấu đến tồi tệ hơn, và có những vấn đề không có giải pháp hữu hiệu.
Quan hệ Mỹ-Nga hiện nay gần như đã rơi xuống đáy vực, tạo ra một viễn cảnh tồi tệ kể từ năm 2009. Tổng thống Nga Putin đã tìm cách làm giảm giá trị Mỹ và làm bẽ mặt Tổng thống Obama về mặt cá nhân bằng việc cấp tị nạn cho Edward Snowden bất chấp lời đề nghị công khai từ Washington, khiến Mỹ chỉ biết bất lực đứng nhìn. Tổng thống Obama đã phản ứng một cách yếu ớt bằng việc quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin ở Moscow vào tháng 9 tới.
Về vấn đề Syria, ông Obama thường xuyên cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad về việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học là vượt qua “giới hạn đỏ”. Giới hạn này đã bị vượt qua (mặc dù chưa xác định được vũ khí hóa học là do chính quyền của Tổng thống Assad hay lực lượng nổi dậy sử dụng) và không có gì xảy ra. Syria đang tự hủy diệt trong một cuộc nội chiến kéo dài, khi Mỹ chỉ đóng vai trò “cầu thủ dự bị”.
Nhưng Ai Cập mới là nơi mà sự thất bại đau đớn về chính sách đối ngoại của Mỹ được thể hiện rõ nhất.
Năm 2009, khi mới đắc cử, ông Obama đã phát động chiến dịch nhằm khôi phục mối quan hệ với cái gọi là "thế giới Hồi giáo". Bài phát biểu với tựa đề “Sự khởi đầu mới” đã giúp ông nhận được giải Nobel Hòa bình sau đó.
Lúc đó, không ai biết điều gì sẽ xảy ra trên Quảng trường Tahrir, Cairo, sau vài năm tới. Nhưng hôm nay, những người khao khát dân chủ tại Ai Cập bắt đầu chán ghét Mỹ. Khi căng thẳng leo thang tại Ai Cập giữa người Hồi giáo, quân đội và những người phi Hồi giáo, tất cả các bên đều có chung niềm tin rằng họ đều cảm thấy bị Washington phản bội.
Nhân vật quyền lực nhất ở Ai Cập, tướng Abdel Fatah al-Sissi, đã thốt lên rằng: "Họ [Mỹ] đã rời bỏ Ai Cập, quay lưng lại với nhân dân Ai Cập và người ta sẽ không quên điều đó".
Mỹ thông báo một chính sách quan trọng mới, "xoay trục" sang Châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng sự “xoay trục” đó là hơi vội vã vì Trung Đông cần đến sự quan tâm của Mỹ với tính cấp bách ngày càng tăng.
Sau đó là Al-Qaeda, Mỹ đã tuyên bố rằng hầu như lực lượng này đã bị tiêu diệt, giờ đây mang lưới khủng bố này dường như đang sống lại. Gần hai chục đại sứ quán Mỹ đã phải đóng cửa trên khắp Trung Đông và châu Phi nhằm "đề phòng" bị khủng bố. Biểu tượng siêu cường duy nhất của thế giới đang rúm ró đằng sau những cánh cổng bị khóa chặt.
Một vấn đề khác nữa liên quan đến chương trình giám sát của Cơ quan tình báo Mỹ NSA. Mọi người đang tự hỏi liệu có nên nói với thế giới rằng Mỹ đã thành công trong việc thu thập những thông tin từ những kẻ cầm đầu của tổ chức al-Qaeda không phải là một sai lầm ngớ ngẩn. Giờ đây, Washington đang ở thế bị động, cố gắng giải thích với thế giới rằng các chương trình giám sát vẫn là cần thiết.
Có vẻ như là tất cả mọi người đều tức giận với Mỹ sau khi Snowden tiết lộ chương trình giám sát của NSA. Ngay cả Đức, một trong những đồng minh thân nhất của Mỹ cũng không thể che giấu sự tức giận. Bolivia thì càng tức giận hơn sau khi máy bay chở tổng thống của nước này buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì bị nghi ngờ chứa chấp Snowden.