Theo thông tin mới nhất, ngay khi vừa được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Tài chính tạm quyền của Ukraine, Aleksander Shlapak đã đưa ra báo cáo đề xuất tiếp tục đàm phán về hợp tác tài chính với
Nga trong lĩnh vực khí đốt.
Ông Aleksander Shlapak thậm chí không hề che đậy ý định muốn sớm đàm phán với Moscow về vấn đề "duy trì hạn mức tín dụng” của chính phủ mới ở Kiev. Điều này có nghĩa là
Ukraine muốn Nga không đóng băng khoản vay kếch xù trị giá 15 tỷ USD mà Moscow từng ký với thời chính quyền cựu
Tổng thống Yanukovych (sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, Moscow đã tuyên bố, đình chỉ khoản vay này). Ukraine hiện đã nhận được 3 tỷ USD trong khoản vay 15 tỷ USD từ Nga. Kiev thừa nhận, chỉ với riêng 3 tỷ USD này đã giúp Ukraine tránh nguy cơ vỡ nợ trong đầu năm nay.
|
Tân Bộ trưởng Tài chính tạm quyền của Ukraine, Aleksander Shlapak.
|
Theo tân Bộ trưởng Tài chính Shlapak, Kiev kỳ vọng nhanh chóng nối lại đàm phán với Nga vào tuần tới. Về nguyên tắc, điều này hoàn toàn có khả năng thực hiện. Ngày 27/2,
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ để tiếp tục liên lạc với chính phủ mới tại Kiev về các vấn đề phát triển thương mại và kinh tế giữa 2 nước.
Moscow cũng tuyên bố, sẽ tổ chức tham vấn với các đối tác nước ngoài, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF về việc cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine. Nga khẳng định, họ đã sẵn sàng viện trợ nhân đạo ngay lập tức cho Khu tự trị Crimea, Ukraine.
Ông Alexander Karevin cũng chia sẻ
“Tôi cho rằng, ứng viên tổng thống Vitali Klitschko (một trong những lãnh đạo của phe đối lập và là cựu vô địch đấm bốc thế giới hạng nặng đã tuyên bố chạy đua chức tổng thống Ukraine sau nhiều tháng dẫn dắt phong trào biểu tình) có nhiều khả năng thắng cử trong cuộc bầu cử 25/5 – dĩ nhiên là trong trường hợp cuộc bầu cử này được tiến hành và kết thúc thuận lợi… Nhiều khả năng ông Klitschko sẽ được công bố thắng cử và trở thành tổng thống bất kể cử tri bỏ phiếu như thế nào (kết quả vẫn có thể bị gian lận). Đương nhiên, lãnh đạo phe đối lập bà Yulia Tymoshenko cũng có một vài cơ hội”.
Nhà khoa học chính trị kiêm nhà báo người Ukraine, Alexander Karevin nhận định, để “xin” được tiền, có thể từ Liên minh châu Âu (EU) hoặc từ Nga, ông Arseny Yatsenyuk đã sẵn sàng để làm mọi thứ. Tương lai gần của Ukraine sẽ phụ thuộc vào người sẽ chính thức trở thành tổng thống của đất nước sau cuộc bầu cử ngày 25/5 tới và cũng phụ thuộc vào sự hợp tác, mức độ hòa hợp giữa tân Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk với tổng thống mới này.
Ngoài ra, một số chuyên gia khác nhận định, có một thực tế rõ ràng rằng, EU và Mỹ không thể cho Ukraine số tiền mà họ mong muốn. Không phải là họ không có tiền. Mà bởi vì họ “khó ăn khó nói” với người dân trong nước – những người nộp thuế về việc tại sao lại cần phải cứu một quốc gia không phải là thành viên của EU trong bối cảnh tình hình tài chính của cả châu Âu cũng đang khó khăn.
Chưa kể, thực tế, EU, IMF và Mỹ cũng chưa biết rõ, Kiev thực sự cần bao nhiêu tiền. Theo tuyên bố của tân Thủ tướng Arseny Yatsenyuk, tổng các khoản nợ của Ukraine rơi vào khoảng 75 tỷ USD. Trong khi đó, một số chuyên gia ước tính, Ukraine đang nợ một khoản tiền gần như gấp đôi số tiền công bố - hơn 130 tỷ USD. Cách đây một vài ngày, chính phủ mới của Ukraine đã công bố họ cần 35 tỷ USD từ nay cho đến hết cuối năm 2015 để tránh nguy cơ vỡ nợ và đặc biệt, cần vay nóng 4 tỷ USD.
|
Tân Thủ tướng tạm quyền của chính phủ mới ở Kiev, ông Arseny Yatsenyuk đứng cạnh thủ lĩnh biểu tình, Vitali Klitschko, ứng viên tổng thống của phe đối lập sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống của Ukraine dự kiến vào ngày 25/5 tới.
|
Trong khi Mỹ “đánh tiếng” sẽ viện trợ khẩn cấp cho Ukraine 1 tỷ USD và Liên minh châu Âu là 1,5 tỷ USD, Giám đốc Quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde hôm 28/2 cảnh báo, bà nghi ngờ Ukraine không lâm vào tình trạng nguy cấp và không cần nhiều tiền viện trợ như họ tuyên bố. Do đó, bà Christine Lagarde cho rằng, không cần gì phải gấp rút, “hốt hoảng” gửi viện trợ kinh tế cho Ukraine. Trước mắt, một đội khảo sát của IMF (vừa được thành lập) sẽ tới Kiev vào đầu tuần tới để thu thập thông tin rồi mới bắt tay soạn thảo một chương trình cho vay. Thái độ dè dặt và thận trọng này chắc chắn làm thất vọng chính phủ mới (vốn chủ trương thân phương Tây) ở Kiev. Chưa kể IMF có những quy định nghiêm ngặt trước khi cung cấp viện trợ nhỏ giọt cho một quốc gia nào đó để đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Do đó, các chuyên gia nhận định, chính phủ mới Ukraine sẽ khó lòng vay được tiền từ IMF trong “một sớm một chiều” như họ kỳ vọng.
Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu mà Ukraine tuyên bố đã sẵn sàng ký kết trong một, 2 tuần tới cũng có một số vấn đề đáng bàn. Khuôn khổ của thỏa thuận – được gọi là Hiệp định về Khu vực Mậu dịch sâu và toàn diện (DCFTA) – sẽ giúp mở ra thị trường Ukraine đối với các loại hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ EU. Tuy nhiên, không có từ nào trong thỏa thuận đề cập đến việc nhập khẩu hàng hóa của Ukraine sang châu Âu. Điều này có nghĩa là, ngành công nghiệp của Ukraine sẽ mất tính cạnh tranh và
sụp đổ.
Chuyên gia tài chính quốc tế danh tiếng George Soros vừa viết một bức thư ngỏ đề cập đến quan điểm chính trị của phương Tây tại Ukraine, trong đó nhấn mạnh: “Cho đến nay, EU dưới sự lãnh đạo của Đức đã cho đi quá ít nhưng lại đòi hỏi quá nhiều từ Ukraine”. Theo các số liệu chính thức từ năm 1991 đến nay, tổng số tiền Brussels hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine chỉ là 2,5 tỷ USD.
Tóm lại, đối mặt với khủng hoảng tài chính trầm trọng và có nguy cơ vỡ nợ trong khi nền kinh tế trì trệ, Ukraine sẽ không thể được cứu, hoặc khôi phục mà không có Nga.