Phiến quân IS đang bị đánh bại ở Mosul và Raqqa, trong khi vụ đột kích ngày 27/4 của đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt được “tiểu vương” IS ở Afghanistan.
Chỉ có điều, tất cả những báo cáo lạc quan nói trên đều không tính đến chiến thuật nguy hiểm mới mà ban lãnh đạo cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đang áp dụng.
|
Phiến quân IS bắt sống xe tăng Leopard-2A4 hiện đại của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Al-Bab. Ảnh: Bellingcat |
Các chiến lược gia của IS vốn là những cựu sĩ quan của chế độ Saddam Hussein và đảng Baath. Những nhân vật này tự tin rằng họ đã tìm ra một chiến thuật hữu hiệu có thể chặn đứng đà tiến của liên quân do Mỹ hậu thuẫn ở Tây Mosul. Các chiến lược gia này không tin rằng cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang trên bờ vực sụp đổ .
Các nguồn tin tình báo và chống khủng bố của DEBKAfile nêu ra 6 lý do lý giải niềm tin của các chiến lược gia IS nói trên:
1.Mỹ và các lực lượng Iraq đã đánh giá quá thấp về số lượng các tay súng IS đang chiến đấu tại Thành cổ Mosul. Theo đánh giá nói trên, số lượng phiến quân IS ở khu vực Thành cổ Mosul chỉ vào khoảng 300-400, trong khi con số thực tế lên đến 3.000-4.000 tay súng.
2. Bộ chỉ huy Mỹ và Iraq đã không tìm ra cách đối phó hữu hiệu việc phiến quân IS kết nối các đường hầm chạy dưới các tòa nhà hoặc trong các tòa nhà sát nhau. Những tuyến đường này giúp IS bí mật chuyển quân và bất ngờ đánh tập hậu các lực lượng tấn công Thành cổ Mosul.
3. Lực lượng duy nhất của Iraq có thể đối phó với chiến thuật du kích nói trên của phiến quân IS là Sư đoàn Vàng đặc biệt tinh nhuệ. Tuy nhiên, sư đoàn này không có khả năng dàn trải trên nhiều trận địa và quá chậm chạp trong việc đối với với các cuộc tập kích chớp nhoáng vô hình của các tay súng IS. Hầu hết các đơn vị quân đội Iraq khác đã được rút khỏi Mosul, sau khi bị tổn thất nặng nề về quân số cũng như vũ khí khí tài.
4. ISIS đã từ bỏ chiến lược bảo vệ các khu đô thị lớn hoặc chinh phục các thành phố như Ramadi, Tikrit và Fallujah để tập trung quân bảo vệ Mosul. Các thủ lĩnh IS đã phân chia lực lượng thành các biệt đội với quân số không quá 10-15 tay súng để tiến hành các cuộc đột kích, đánh bom liều chết. Những thiết bị đánh bom liều chết được chế tạo ở tuyến sau, với những dây chuyền lắp ráp xe bom để cung cấp cho các biệt đội tấn công liều chết.
Mỗi biệt đội liều chết của phiến quân IS được trang bị hơn một chục xe bom để tấn công quân đội Iraq và Mỹ với thiệt hại lớn nhất. Đó là chưa kể, các thành viên của biệt đội này còn khoác trên người những chiếc áo cài đầy chất nổ để tiến hành các vụ tấn công tự sát.
5. Hiệu quả của chiến thuật này quả là khủng khiếp. Các biệt đội liều chết di chuyển trong mạng lưới đường hầm bí mật này có khả năng thâm nhập sâu vào hậu phương của các lực lượng Iraq và Mỹ khoảng 10km. Phương pháp này đã bị các chỉ huy Mỹ tại Syria và Iraq gọi là “chiến tuyến di động”.
Nói tóm lại, phía Mỹ và Iraq dự kiến chiến dịch giải phóng Mosul chỉ kéo dài vài tháng. Thế nhưng, cho đến nay đã 8 tháng trôi qua và chiến dịch giải phóng Mosul vẫn chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
Một ví dụ trực tiếp về chiến thuật này được thấy ở Iraq vào ngày 7/5, khi có ít nhất 5 phiến quân IS đánh bom liều chết, kích hoạt áo khoác chất nổ chống lại dân quân Peshmerga của người Kurd bên ngoài căn cứ K1 gần thành phố dầu lửa Kirkuk, nơi có cố vấn Mỹ được triển khai. Ít nhất có hai dân quân người Kurd bị thiệt mạng.
6. Sau khi chiến thuật này khá thành công ở Iraq, các chiến lược gia IS đang nhân rộng nó tại trận địa Raqqa ở Syria. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt đầu di dời trung tâm chỉ huy miền bắc Syria tới vùng Deir ez-Zor và thung lũng Euphrates, nằm trên đường biên của Syria và Iraq. Tổ chức khủng bố IS đã chọn thị trấn sa mạc nhỏ Al-Mayadin phía đông Deir ez-Zor làm trụ sở tiếp theo của trung tâm chỉ huy, chủ yếu là do sự biệt lập của thị trấn này. Chỉ có năm con đường đi đến thị trấn Al-Mayadin và hầu hết các con đường này không thích hợp với giao thông bằng xe cộ. Do đó, phiến quân IS ở đây có thể nhanh chóng phát hiện từ xa mọi sự tiếp cận của đối phương.
ISIS hiện đang lên kế hoạch áp dụng chiến thuật “chiến tuyến di động” dọc theo con đường dài 170km nối liền thị trấn Al Mayadin với “thủ phủ” Raqqa ở miền bắc Syria.