Chiến dịch quân sự của TNK khiến Syria “rối như canh hẹ”

Google News

(Kiến Thức) - Với chiến dịch quân sự tấn công đánh chiếm thị trấn Jarablus của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã khiến cho tình hình Syria “rối như canh hẹ”.

Trong bài viết cho tờ báo trực tuyến Vzglyad, nhà báo và nhà phân tích chính trị Nga Eugeni Krutikov cho rằng Tổng thống Erdogan đang gây rắc rối cho tất cả các bên hữu quan trong cuộc nội chiến Syria, trong đó có Nga và Mỹ.
Chien dich quan su cua TNK khien Syria “roi nhu canh he”
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên vào lãnh thổ Syria. Ảnh Sputnik 
Mục tiêu của chiến dịch quân sự “Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield) là quét sạch phiến quân IS ở miền bắc Syria và ngăn chặn lực lượng người Kurd tiến thêm về phía tây.
Tham gia chiến dịch tấn công Jarablus, có lực lượng đặc biệt và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 5.000 tay súng của Quân đội Syria Tự do (FSA). Cuộc tấn công này nhận được sự yểm hỗ của các chiến đấu cơ Mỹ. Ngoài ra, Washington còn yêu cầu các lực lượng người Kurd rút về phía đông của sông Euphrates mà Ankara coi là “vạch đỏ”.
Nhà phân tích chính trị Eugeni Krutikov nói: "Cái mà Ankara gọi là một chiến dịch thành công lại bị các bên hữu quan, trong đó có Nga và Mỹ, xem như một tham vọng thiếu tầm nhìn chiến lược, ngay cả trên cấp độ khu vực".
Mục đích tiêu diệt người Kurdistan đang gây ra những bất đồng với cả Mỹ lẫn Nga. Mặc dù chính quyền Ankara coi lực lượng người Kurd Syria là khủng bố, nhưng lực lượng này lại được quân đội Mỹ hậu thuẫn. Hồi tháng 2/2016, Nga đã bật đèn xanh cho người Kurd ở Syria mở văn phòng đại diện ở Moscow, văn phòng đầu tiên ở nước ngoài.
Ngày 26/8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói rằng Ankara sẽ tiến hành các chiến dịch tương tự trong tương lai. Ông Binali Yildirim nói thêm chiến dịch xuyên biên giới sẽ tiếp tục đến khi "đảm bảo 100% an ninh" cho biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cho đến khi Daesh (tên gọi Arập của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS) và "các tổ chức khủng bố khác bị quét sạch khỏi khu vực”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch chống lại Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) trong nhiều thập kỷ. Chiến dịch đàn áp người Kurd được nối lại trong năm ngoái, khi một tiến trình hòa bình giữa hai bên sụp đổ.
Stratfor, một tổ chức tư vấn ở Texas, cảnh báo rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào cuộc xung đột Syria là "nguy hiểm".
Các nhà quan sát của Stratfor nhận định: "Một mặt, tiến quân vào Syria sẽ làm tăng xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Daesh (IS) và Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) của người Kurd. Mặt khác, với việc điều quân qua biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào một lãnh thổ của một kẻ thù lâu năm vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thế lực bên ngoài đang nhắm mục tiêu vào các nhóm nổi dậy được Ankara hỗ trợ”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn các nhóm vũ trang cực đoan đang cố gắng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nổi dậy do nước ngoài tài trợ đã làm rung chuyển Syria trong năm 2011. Cuộc nổi dậy “ôn hòa” này đã biến dạng thành một cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài 5 năm cướp đi 280.000 sinh mạng và khiến cho 11 triệu con người phải rời bỏ nhà cửa, buộc hơn 4 triệu người tị nạn Syria chạy sang các nước lân cận hoặc xa hơn nữa.
Các nhà quan sát của Strafor nói thêm: "Thổ Nhĩ Kỳ đang chao đảo bởi các vấn đề trong nước, trong đó có một cuộc nổi dậy của người Kurd, cuộc đảo chính quân sự thất bại gần đây và chiến dịch thanh trừng sau đó. Tất cả những điều này đã làm suy giảm sức mạnh và chất lượng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo các nhà nghiên cứu của Stratfor, dường như Ankara, cũng hiểu được những rủi ro liên quan đến việc tiến hành các chiến dịch quân sự ở Syria. Đây là lý do "thay vì ồ ạt đổ quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi theo một lối mòn đã được kiểm định cẩn thận".
Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các quan chức chính phủ ở Damascus, những người đã tố cáo Ankara "sự vi phạm trắng trợn" chủ quyền quốc gia của Syria.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

Bình luận(0)