Hơn cả các bài phát biểu hay thông cáo, một trong những điểm nhấn nổi bật nhất từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Geneva, Thụy Sĩ tuần này là cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo trước ống kính của thế giới.
Mới chỉ vài ngày trước đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo đồng cấp vẫn chào hỏi nhau bằng khuỷu tay tại các sự kiện ngoài trời có giãn cách 2 m.
Vì vậy, giây phút ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay được đánh giá là khoảnh khắc hiếm hoi về sự tiếp xúc thể chất, theo AFP.
Đại dịch Covid-19 từng làm thay đổi văn hóa bắt tay nhau chào hỏi của nhiều người. Tuy nhiên, thói quen bị từ bỏ này đang dần quay trở lại cùng với các lệnh hạn chế xã hội được nới lỏng nhờ vaccine.
Dẫu vậy, văn hóa bắt tay vẫn đang đứng trước một tương lai không chắc chắn.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trong hội nghị. Ảnh: AFP. |
Tương lai không chắc chắn
Tại Mỹ, hầu hết lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ. Người Mỹ đã tiêm chủng được phép không đeo khẩu trang ngay cả trong phòng. Giãn cách xã hội và phong tỏa đã là câu chuyện đi vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, hậu quả do Covid-19 để lại vẫn còn đó. Nhiều người Mỹ vẫn tự nguyện đeo khẩu trang ở nhiều cửa hàng và văn phòng.
Bạn bè thường chào nhau bằng một cái vẫy tay ngắn ngủi và những cái bắt tay được cân nhắc kỹ.
Kỹ thuật viên điện thoại Jesse Green ở New York cho biết anh từ chối bắt tay với khách hàng lạ. Anh sẽ chỉ bắt tay chào hỏi với những người anh biết và những người đã được tiêm phòng.
“Bởi đại dịch mà mọi người thận trọng hơn với các hành động tiếp xúc chạm tay”, anh nói.
Trong khi đó, ông William Martin, một luật sư 68 tuổi, từ chối việc bắt tay với bất cứ ai, dù đã được tiêm phòng hay là không.
Ông cho biết mình sẽ không làm như vậy "cho đến khi tình hình an toàn", và nói thêm vấn đề an toàn "sẽ không chỉ được xác định bởi một số chính phủ".
|
Tương lai của cái bắt tay sau đại dịch vẫn không chắc chắn. Ảnh: iStock. |
Một số công ty và tổ chức Mỹ đang sử dụng vòng tay màu để giúp nhân viên, khách hàng hoặc du khách thể hiện mức độ “cởi mở" của họ khi tiếp xúc. Theo đó, màu đỏ, vàng và xanh lá cây, sẽ lần lượt ứng với thái độ từ thận trọng nhất đến thoải mái nhất.
Đến nay, mặc dù Mỹ đã cơ bản khống chế được dịch, việc ôm hay thơm má chào hỏi vẫn là điều không tưởng đối với hầu hết người dân.
Phản khoa học?
Ông Jack Caravanos, giáo sư tại Đại học New York, cho biết sự cảnh giác với cái bắt tay không hoàn toàn phù hợp với những gì bằng chứng khoa học cho thấy.
"Covid-19 về cơ bản là một loại virus lây nhiễm thông qua giọt bắn, và nó ít lây truyền qua tiếp xúc bề mặt. (Vì vậy) cơ sở khoa học cho việc không tiếp xúc với da là điều vẫn còn tranh luận".
"Tuy nhiên, các bệnh cảm lạnh thông thường, cúm và một loạt bệnh truyền nhiễm khác đều lây truyền qua đường tiếp xúc. Do đó, việc từ bỏ thói quen bắt tay, nhìn chung, sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng".
Cân nhắc đến lợi ích sức khỏe cộng đồng, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với nhận định này.
“Thành thật mà nói tôi không nghĩ chúng ta nên bắt tay nhau một lần nữa”, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng cho biết vào năm 2020 khi virus hoành hành trên toàn thế giới.
"Ngưng bắt tay không chỉ tốt cho việc ngăn ngừa bệnh dịch do virus corona gây ra, nó có thể sẽ làm giảm đáng kể các trường hợp mắc bệnh cúm ở đất nước này".
Giáo sư Allen Furr tại Đại học Auburn Allen Furr chia sẻ: “Chúng ta luôn có hội chứng sợ nhiễm bẩn (germophobia). Mỗi người chúng ta đều ít nhiều sẽ có tâm lý không thích người khác chạm vào mình vì coi mọi thứ đều có khả năng lây truyền bệnh".
"Ảnh hưởng tâm lý khiến chúng ta đánh đồng giữa sự an toàn với việc không đến gần mọi người", ông nói.
Bắt tay nhau có còn sau đại dịch?
Bắt tay nhau từng là một nghi thức chào hỏi được người lớn dạy cho trẻ em.
Tuy nhiên sau 16 tháng đại dịch càn quét trên toàn cầu, văn hóa này có thể mai một dần nếu không được truyền lại cho thế hệ sau.
Các hình thức chào nhau thay thế khác như Fist Bump (dùng 2 nắm đấm chạm vào nhau), vẫy tay, hay cúi đầu chào "namaste" kiểu Ấn Độ ngày càng trở nên phổ biến so với kiểu bắt tay nồng nhiệt.
|
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chào mừng Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, theo ông Patricia Napier-Fitzpatrick, người sáng lập Trường nghi thức xã giao ở New York, "rất nhiều thứ sẽ mất đi nếu chúng ta không bắt tay nhau".
"Bạn có thể bày tỏ nhiều điều với một người qua cái bắt tay. Đó là một phần của ngôn ngữ cơ thể”, ông Patricia nói.
"Khi bạn chạm vào ai đó, bạn cho thấy bạn tin tưởng họ, đồng thời truyền đi thông điệp: ‘Tôi sẽ không làm hại bạn’”.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày, và cái bắt tay chỉ là một trong số đó. Liệu nghi thức chào hỏi này sẽ dần biến mất hay quay trở lại trong cuộc sống “bình thường mới", đó sẽ là bài kiểm tra về sự cần thiết của nó với con người.
Về phần mình, giáo sư Furr hy vọng cái bắt tay sẽ được duy trì. "Đó là một nghi lễ quá quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta", ông nói.