Các “chiêu” náo loạn khu vực Đông Á của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) -  Giới nghiên cứu phương Tây cho rằng việc Triều Tiên gây căng thẳng ở Đông Bắc Á là nằm trong  “các chiêu làm náo loạn khu vực của Trung Quốc".

 

Kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc cho rằng đây là thách thức rất lớn tới quyền lợi các mặt của Trung Quốc trong khu vực. Sự trở lại của Mỹ đã tác động tới thế cân bằng chiến lược, kinh tế, buôn bán, quân sự, văn hóa và là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ lại được nhiều nước khu vực hoan nghênh. Trung Quốc cho rằng Mỹ đã lập phòng tuyến hình vòng cung chuỗi đảo thứ nhất từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới Đài Loan, Philippines xuống Đông Nam Á vòng qua Ấn Độ Dương… để bao vây, kiềm chế Trung Quốc.    

Theo các học giả, nếu xâu chuỗi các sự kiện với nhau thời gian qua, có thể thấy tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên nằm trong “các chiêu” của Trung Quốc làm náo loạn khu vực để kiềm chế Mỹ.

Các “chiêu này” được Trung Quốc thực hiện  như sau:

1. Chiêu thứ nhất: Thăm dò thực lực và quan hệ gắn bó của Mỹ


Thời gian qua, tại khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc liên tục đưa các tàu chiến, tàu tuần tra biển, tàu cá, máy bay trinh sát hoạt động sát ngay khu vực vùng biển Senkaku của Nhật Bản (tức Điếu Ngư). Tại Biển Đông,  ngoài việc liên tiếp đưa tàu chiến khiêu khích, xâm nhập, gây rối trong vùng biển của các nước, tháng 9/2012 Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh diễu võ dương oai, tiếp đó ngày 26/3/2013 đưa tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn hiện đại nhất hiện nay cùng nhiều tàu chiến khác xuống vùng biển James Shoal thăm dò mối quan hệ Mỹ - ASEAN.

Mạng tin quân sự “Tây Lục” của Trung Quốc ngày 14/4/2013 bình luận những hoạt động trên chứng tỏ lãnh đạo Trung Quốc dám “đấu với Mỹ” trong vùng biển này.

2. Chiêu thứ hai: Dùng đàn em khuấy động, làm náo loạn khu vực

Báo Trung Quốc dẫn nguồn tin các nước cho biết hiện nay 52% lực lượng Hải quân Mỹ bố trí ở Thái Bình Dương, thời gian tới tăng lên tới 60%; 6 trong số 8 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa bố trí ở Thái Bình Dương, trang bị 192 đầu đạn hạt nhân, trong đó 156 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Có tới 130 trong số hơn 500 đầu đạn hạt nhân chỉ trong 10-15 phút có thể bay tới nội địa Trung Quốc. Tại Alaska có 30 tên lửa và California có 6 tên lửa đánh chặn các tên lửa của Trung Quốc. Trong số 21 tàu khu trục mang tên lửa đánh chặn có tới 18 chiếc bố trí ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm vào Trung Quốc, dự kiến Mỹ sẽ bố trí thêm 14 tên lửa đánh chặn nữa tại Alaska.

Trung Quốc cho rằng lực lượng quân sự này của Mỹ rõ ràng nhắm vào Trung Quốc và Triều Tiên, vì vậy phải khuấy động, làm náo loạn xem mức độ phản ứng quân sự của Mỹ tới mức độ nào.

Được Trung Quốc dung túng, Triều Tiên đã tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ.

Trước tình hình này, Mỹ phải liên tục điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu tới Khu vực Đông bắc Á, như đưa tàu ngầm USS Cheyenne cùng 4 tàu khu trục mang tên lửa đánh chặn tới khu vực này, tăng cương lực lượng quân Mỹ ở Guam, Subic. Đồng thời, Mỹ đưa máy bay B52 và máy bay tàng hình B2 bay diễn tập trên không phận  Đông Bắc Á. Năm 1999, máy bay tàng hình B2 đã từng đánh phá Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư. Điều này cho thấy khi cần Mỹ sẽ hành động thực sự. Tiếp đó, Mỹ đưa tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Ohio mang theo 154 tên lửa hành trình cùng nhiều ngư lôi hiện đại tới cảng Pusan của Hàn Quốc. Tháng 10/2012, Mỹ đã đưa tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân “Hawaii”  tới cảng Subic (Philippin), đưa thêm quân và vũ khí tới Nhật Bản, Australia.

Ngoài ra, Mỹ liên tiếp tiến hành các cuộc diễn tập với hải quân các đồng minh và các nước trong khu vực.

Rõ ràng, Trung Quốc và Triều Tiên lo ngại Mỹ thực sự có thể hành động đánh trả, thậm chí đánh đòn phủ đầu trước nếu thấy cần thiết.

3. Chiêu thứ ba: “Hư hư, thực thực”.

Tờ “Liên hợp buổi sáng” của Singapore ngày 7/4/2013 cho biết, khi tình hình căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên, Obama cùng các quan chức có liên quan liên tục gọi điện cho phía Trung Quốc tham vấn, thậm chí Obama còn gửi điện khẩn tới lãnh đạo Trung Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Thomas Donilon nói phía Mỹ cho rằng tình hình này cũng là cơ hội để lãnh đạo hai bên hiểu biết lẫn nhau trong xử lý các vấn đề quốc tế.

Tờ báo cho biết khi Mỹ đưa quân sang Nhật Bản, Hàn Quốc, phía Trung Quốc không công khai và cũng không ngấm ngầm phản đối mà giữ im lặng. Giờ đây, thái độ của Trung Quốc cũng vậy, họ im lặng tới mức khó hiểu, ngay cả giới báo chí và quan chức Trung Quốc cũng cảm thấy khó hiểu. Còn phía Mỹ không rõ Trung Quốc hiện đang tính toán gì: dung túng Triều Tiên tiếp tục leo thang hay đang có biện pháp kiềm chế. Chiêu “thực thực, hư hư” này làm Mỹ lúng túng đối phó. Vì vậy, Tổng thống Obama phải lệnh cho các quan chức khi phát ngôn phải rất thận trọng, không để sơ xảy mà Trung Quốc và Triều Tiên có thể lợi dụng.

Phát biểu “chỉ vì ích kỉ cá nhân làm náo loạn cả khu vực và thế giới” của Chủ tịchTập Cận Bình ngày 7/4/2013 tại “Diễn đàn Châu Á Bác Ngao”, được dư luận Mỹ và phương Tây cho rằng  ám chỉ cảnh cáo Triều Tiên. Nhưng ngày hôm sau khi Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) phỏng vấn Bộ ngoại giao Trung Quốc về phát biểu trên, Người phát ngôn Hồng Lỗi nói Chủ tịch Tập Cận Bình lên án tất cả các bên đã làm mất đi hòa bình và ổn định khu vực. Điều này có nghĩa là lên án “chiến lược trở lại Châu Á –Thái Bình Dương” của Mỹ. Dư luận các nước cho rằng quả thực  “Người Tàu thâm nho”, nên hành động thực thực hư hư và phát biểu mập mờ để đánh lạc hướng dư luận.

4. Chiêu thứ tư: Cảnh báo "chớ có qua mặt Thiên triều”

Ngay khi làm Phó Chủ tịch nước và tương lai trở thành lãnh đạo tối cao, ông Tập Cận Bình đã có chuyến công du  sang Mỹ để làm quen với Obama vào tháng 2/2012. Nhưng khi Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liền sang thăm Thái Lan, Mianma và Campuchia (từ 17/11 – 20/11/2012) để khẳng định chính sách “trở lại châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ. Tiếp đó ông thăm Trung Đông, Châu Phi. Qua ngõ, nhưng Obama phớt lờ và qua mặt “Thiên Triều” Bắc Kinh. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng thăm 9 nước ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Á, nhưng lại không thèm ngó ngàng đên “Thiên Triều”, cho dù quan hệ Mỹ - Trung là rất quan trọng và buôn bán hai nước năm 2012 tới gần 500 tỉ USD.

Còn ông Shinzo Abe năm 2006 khi đắc cử Thủ tướng đã vội vàng chọn Trung Quốc làm chuyến thăm nước ngoài đầu tiên để “phá băng giá” trong quan hệ hai nước. Nhưng lần này ông cũng “qua mặt Thiên Triều” sang thăm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia(16/1-19/1/2013). Bởi vậy, Trung Quốc “làm náo loạn khu vực” để răn đe Mỹ và Nhật Bản chớ có “phớt lờ Trung Quốc”.

Sau đó, Tổng thống Obama đã vội vã cử tân Bộ trưởng tài chính Jacob Lew thăm Trung Quốc từ 19/3 – 20/3/2013. Nhưng Bắc Kinh cho rằng “nhân vật” này không đủ tầm cỡ, vì vậy Obama đã phải nhanh chóng cử Ngoại trưởng John Kerry sang thăm Trung Quốc ngày 13/4/2013. Hãng tin Mỹ AP ngày 12/4/2013 cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của John Kerry là “không bình thường”.

Tờ New York Time ngày 7/4 cho biết tiếp theo John Kerry, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Martin, cũng sẽ thăm Trung Quốc 4 ngày. Ngay sau đó, Cố vấn an ninh quốc gia Thomas Donilon sẽ thăm Trung Quốc.

5. Chiêu thứ năm. Dồn Mỹ vào thế cờ tàn của Trung Quốc

Khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình kiến nghị hai nước cần xây “Quan hệ nước lớn kiểu mới”.

Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13/4/2013 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đưa ra ba tiêu chí của “Quan hệ nước lớn kiểu mới” là: 1-Bình đẳng tin cậy lẫn nhau. 2- Bao dung, nhìn nhau cùng tiến. 3-Hợp tác cùng thắng lợi.

Rõ ràng thời gian qua quan hệ Trung – Mỹ chưa bình đẳng, lợi thế vẫn nghiêng về Mỹ, nên hai nước chưa thể tin cậy lẫn nhau. Về tiêu chí “Bao dung, nhìn nhau cùng tiến”, dư luận cho rằng phía Trung Quốc hy vọng cùng Mỹ kiểm soát Khu vực này, phân chia ảnh hưởng rõ ràng những khu vực thuộc Trung Quốc mà Mỹ không được đụng tới. Trước đây Trung Quốc đã từng đưa ra chủ trương “Mi không đụng tới ta thì ta không đụng tới mi”. Nghĩa là, Mỹ phải nhìn Trung Quốc, chứ không thể “lấn sân” của Trung Quốc.

Đây là ván bài cờ mà Trung Quốc đang mặc cả với Mỹ luận trong cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình-Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2013 tại Saint Peterburg (Nga).

Dư luận đặt câu hỏi “Liệu ông Obama đã có chiều gì”  để đối phó với thế cờ “thâm nho” của Trung Quốc? Có hay không chính là điều mọi người còn phải chờ xem.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Kiều Tỉnh

Bình luận(0)