Đó là nhận định của nhà phân tích John Ford chuyên viết cho tạp chí The National Interest về các vấn đề chống khủng bố, Trung Đông và Châu Phi.
|
Công dân Vương quốc Anh đứng trước sự lựa chọn: Rời bỏ hay ở lại với Liên minh Châu Âu. Ảnh ibtimes.co.uk |
Hôm nay (23/6), các công dân Vương quốc Anh đi bỏ phiếu về việc ở lại hay chia tay với Liên minh Châu Âu (EU) . Nếu phe rời bỏ EU giành chiến thắng, kết quả sẽ là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực ở Châu Âu. Brexit sẽ loại bỏ ảnh hưởng của Vương quốc Anh trong EU và có nguy cơ châm ngòi một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland độc tập. Kết quả sẽ là một nước Anh nhỏ hơn, yếu hơn và ít khả năng gây ảnh hưởng đến các sự kiện hoặc bảo vệ lợi ích của mình ở Châu Âu cũng như trên thế giới.
Brexit sẽ gây ra tổn thất kinh tế to lớn cho Vương quốc Anh, khi 45% kim ngạch thương mại của nước này giao dịch với các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và rời bỏ EU sẽ có nghĩa là mất quyền truy cập vào thị trường chung to lớn này. Đây là điều sẽ là tàn phá nền kinh tế Anh. Những người ủng hộ việc Vương quốc Anh rời EU đã cố lập luận bằng cách nói rằng họ muốn có một thỏa thuận thương mại với EU để mở cửa thị trường chung này. Họ cố tình phớt lờ trả lời câu hỏi: Vì lẽ gì mà EU lại sẵn sàng để cho Vương quốc Anh để tận hưởng những lợi ích của thị trường chung trong khi không chịu đóng góp để duy trì thị trường này.
Brexit sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực bên trong EU và khiến cho Vương quốc Anh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc làm đối trọng với trục Pháp-Đức về các vấn đề có liên quan đến Châu Âu.
Vương quốc Anh hiện đang chiếm 73 ghế trong Nghị viện Châu Âu, xếp thứ ba sau Đức (96 ghế) và Pháp (74 ghế). Chừng nào Vương quốc Anh còn là thành viên EU, nước này có thể góp phần hình thành các quyết định của Liên minh Châu Âu và tác động đến số phận của cả Châu Âu.
Không có gì đảm bảo rằng EU sẵn sàng ký kết một hiệp ước thương mại với Vương quốc Anh sau Brexit. Nếu muốn đạt được một thỏa thuận với EU, Vương quốc Anh sẽ phải làm việc với một tổ chức bị Pháp và Đức chi phối nhiều hơn. Cho đến nay, Vương quốc Anh có tiếng nói đáng kể trong việc hoạch định chính sách kinh tế của EU. Một khi ra khỏi EU, Vương quốc Anh chỉ là một khán giả và buộc phải chung sống với những quyết định do các cường quốc khác đưa ra. Đột nhiên, từ một cường quốc có tiếng nói quan trọng đối với các quy tắc thương mại lớn Vương quốc Anh lại phải dựa vào lòng thương xót của một EU do Pháp và Đức thống trị.
Một nguy cơ nhãn tiền khác sau Brexit là Scotland một lần nữa lại tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập, tác khỏi Vương quốc Anh. Cách đây chưa đầy hai năm, Scotland đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý xem có nên ly khai khỏi Vương quốc Anh hay không. Cuộc bỏ phiếu ly khai khỏi Vương quốc Anh đã thất bại với tỷ lệ 45% ủng hộ và 55% phản đối. Một trong những lý do quan trọng là nếu Vương quốc Anh rời khỏi EU, Scottland sẽ không được phép tham gia Liên minh Châu Âu như một nước độc lập. Sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu dành cho Scotland cao hơn nhiều so với Anh. Có đến 54 % cử tri Scotland nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho việc ở lại với EU và chỉ có 26% bỏ phiếu cho Brexit .
Nicola Sturgeon, thủ hiến Scotland và lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland, đã nói rằng một cuộc bỏ phiếu cho Brexit sẽ là lý do chính đáng biện minh cho một cuộc trưng cầu thứ hai về Scotland độc lập.
Với Scotland, Vương quốc Anh có một dân số gần bằng và một nền kinh tế lớn hơn so với Pháp. Điều này khiến cho Vương quốc Anh trở thành một quốc gia hùng mạnh thứ ba ở Châu Âu, sau Nga và Đức. Nếu Scotland độc lập, quyền lực của Anh sẽ bị suy giảm đáng kể. Qui mô của nền kinh tế Anh sẽ đột nhiên nhỏ hơn so với Pháp và dân số của nó còn ít hơn nhiều. Scotland độc lập cũng sẽ mang theo một trữ lượng dầu khí đáng kể và có thể sẽ không cho phép Vương quốc Anh sử dụng một số các căn cứ hải quân quan trọng trong lãnh thổ nước này. Với việc mất gần 6 triệu cư dân Scotland và GDP 300 tỷ USD, Vương quốc Anh sẽ không còn nằm giữa Pháp và Đức trong bảng xếp hạng các cường quốc Châu Âu. Thay vào đó, Vương quốc Anh chỉ còn nằm giữa Pháp và Italy trong bảng xếp hạng, một sự xuống cấp nghiêm trọng.
Brexit có thể thỏa mãn tinh thần dân tộc của một bộ phận công dân, nhưng cuối cùng nó sẽ làm giảm quyền lực địa chính trị Vương quốc Anh, khi vương quốc này trở nên nhỏ hơn, yếu hơn, nghèo hơn và không có bất kỳ cơ chế bảo vệ lợi ích nào ở Châu Âu. Một Vương quốc Anh “hậu Brexit” sẽ ít mạnh mẽ và không có ở vào vị thế tốt để sử dụng quyền lực của mình. Brexit sẽ thay đổi cán cân quyền lực ở Châu Âu, nghiêng về phía có lợi cho Pháp và Đức. Nói tóm lại, Brexit sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Châu Âu nói chung và Vương quốc Anh nói riêng.