Trung Quốc sẽ khiến Biển Đông bất ổn hơn năm 2013?

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc bước vào năm 2013 với một ban lãnh đạo mới nói nhiều về cải cách trong nước, nhưng không thấy thay đổi chính sách đối ngoại hiện hành.

 Các vùng biển gần Trung Quốc "đang dậy sóng".

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục chiến thuật biến bất đồng về ranh giới trên biển thành cơ hội để thay đổi hiện trạng, nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Một nhà phân tích người Trung Quốc cho rằng mục đích của chiến thuật này là nhằm “biến khủng hoảng thành cơ hội chiến lược”.

Người ta có thể thấy cách tiếp cận này qua phản ứng của Trung Quốc trước việc hồi tháng 9/2012, chính phủ Nhật mua lại ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản quản lý hay qua phản ứng của Bắc Kinh khi Việt Nam thông qua Luật Biển hồi tháng 6/2012 và các biện pháp mà Trung Quốc đã áp dụng sau vụ đụng độ với Philippines ở bãi đá ngầm Scarborough hồi tháng 4 trước đó. Trong tất cả các vụ việc trên, Trung Quốc đều phản ứng thái quá để chiếm thế thượng phong.

Thậm chí, Trung Quốc còn thực hiện các biện pháp khác, ngay cả khi không hề bị bên ngoài khiêu khích. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu phát hành hộ chiếu mới với bản đồ hiển thị chủ quyền đối một số vùng lãnh thổ đang tranh chấp và làm dấy lên làn sóng phản đối từ Việt Nam, Philippines đến Ấn Độ. Trong tháng 10/2012, chính quyền tỉnh Hải Nam công bố các quy định hàng hải cho phép các tàu công vụ của tỉnh kiểm tra, bắt giữ hoặc trục xuất tàu nước ngoài bất hợp pháp ở cái gọi là vùng biển Trung Quốc. Trong khi các quy định chỉ áp dụng trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải của đảo Hải Nam, ngôn từ của các qui định này có thể cho phép Trung Quốc mở rộng khu vực kiểm tra kiểm soát tàu thuyền nước ngoài trong phạm vi của cái gọi là “đường chin đoạn” (đường lưỡi bò) khét tiếng, một vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc đang tranh chấp với các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Trên Biển Hoa Đông, sau khi tuyên bố đường cơ sở để phân ranh giới lãnh hải, Trung Quốc bắt đầu thường xuyên cử các tàu công vụ tuần tra trong vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mục đích của Trung Quốc là thiết lập một sự quản lý chồng chéo với các tàu Nhật Bản vốn đã tuần tra khu vực này suốt bốn thập kỷ qua. Không những thế, Trung Quốc còn lấn tới với việc tuần tra không phận hồi giữa tháng 12/2012, khi một máy bay do thám Trung Quốc đã bay qua không phận Nhật Bản ở phía trên quần đảo Senkaku, lần xâm nhập không phận đầu tiên kể từ năm 1958. Phía Nhật Bản đã phản ứng bằng cho các máy bay chiến đấu F-15 cất cánh để ngăn chặn, trong khi Trung Quốc cử máy bay chiến đấu J-10 “giám sát máy bay Nhật Bản”. Trong khi cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột lớn, thỏa thuận ngầm gạt tranh chấp sang một bên đã bị phá vỡ và triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình ngày càng trở nên xa vời.

Những hành động nói trên có thể được xem như một phần của chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm phát triển từ một nền kinh tế tập trung vào đất liền sang một “cường quốc biển”. Chủ trương này đã được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh trong báo cáo chính sách cuối cùng của ông tại Đại hội Đảng lần thứ 18 trong tháng 11/2012. Sau khi Đại hội 18 kết thúc 3 tuần, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng ở Bắc Kinh cho biết, hành động nói trên của Trung Quốc trong các vụ tranh chấp biển đảo là cần thiết để “bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước”.

Cùng ngày, tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra một bài phát biểu tôn vinh “giấc mơ Trung Quốc”, về một sự “hồi sinh tuyệt vời của dân tộc Trung Quốc”. Khi đến thăm Hạm đội Nam hải vào giữa tháng 12/2012, ông Tập Cận Bình khẳng định rằng “giấc mơ Trung Quốc” còn bao gồm cả “giấc mơ về một quân đội vững mạnh”. Những tuyên bố như vậy đang khuyến khích chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở trong nước và sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng cũng như bất ổn trong khu vực.

Trên thực tế, Bắc Kinh xem ra đã xa rời chính sách “láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt” đối với các nước châu Á”. Sau nhiều năm xây dựng lòng tin với các nước ASEAN, Bắc Kinh đã thành công trong việc chia rẽ ASEAN và lôi kéo được một vài nước thành viên của khối này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp biển đảo.

Điều trớ trêu là những hành động này của Trung Quốc đang đẩy một số nước láng giềng “vào vòng tay của Mỹ”. Chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á đã trở thành một nỗi ám ảnh trước mắt đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc cũng tạo ra phản ứng kỳ lạ của các nước láng giềng trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario từng nói rằng ông hoan nghênh việc Nhật Bản tái vũ trang để giúp cân bằng khu vực.

Hành vi của Trung Quốc đang phá hoại sự ổn định trong khu vực và làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của nước này. Hơn thế nữa, chính sách của Trung Quốc là đổ lỗi cho các nước tuyên bố chủ quyền khác về việc châm ngòi rắc rối. Trước những lời chỉ trích từ bên ngoài về việc Trung Quốc phản ứng thái quá, Bắc Kinh tuyên bố rằng thế giới đã đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Với rất ít dấu hiệu nhượng bộ ở Bắc Kinh về xử lý tranh chấp lãnh thổ và với những thách thức ghê gớm ở trong nước đang hiển hiện, ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh xem ra không thay đổi chính sách đối ngoại hiện hành.

Với chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng dâng cao ở trong nước và các nước hữu quan đang liên kết với nhau để đối phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ  khiến cho khu vực trở nên bất ổn trong năm 2013.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:



TIN LIÊN QUAN:






Lê Chân (theo Internatinal Crisis Group)

Bình luận(0)