|
Hoàng hôn trên Biển Đông.
|
Giới phân tích phỏng đoán liệu lần này ASEAN có thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề với Trung Quốc ở Biển Đông? Bất đồng trong nội bộ ASEAN về Biển Đông đã làm lu mờ kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN năm ngoái tại Phnom Penh. Điều đó đã mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Một năm đã trôi qua, tranh chấp ở Biển Đông càng trở nên gay gắt hơn.
Chuyên gia Evgeny Kanaev của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định: “Hiện dang diễn ra cạnh tranh về địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ về ranh giới hàng hải khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là ở Biển Đông. Trong điều kiện này, ASEAN khó có thể đề ra lập trường riêng có thể làm vừa lòng cả Washington lẫn Bắc Kinh và cả Trung Quốc lẫn ASEAN”.
Theo ông Kanaev tình hình khu vực khá nghiêm trọng và nguy cơ đổ vỡ của những nỗ lực để xây đắp lập trường đồng nhất và có tiếng nói chung có thể tác động rất mạnh đến những kế hoạch tương lai của ASEAN. Ông Kanaev nói tiếp: “Kịch bản này đang đặt ra câu hỏi về sự hình thành Cộng đồng ASEAN trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Mà ở đó, vấn đề Biển Đông nổi bật lên thành một trong những vấn đề trung tâm”.
Trung Quốc và ASEAN vẫn là những đối tác thương mại lớn, với kim ngạch thương mại hai chiều lên đến 500 tỷ USD/năm. Liệu tăng cường quan hệ kinh tế giữa các đối tác có thể trở thành cơ chế an toàn chống leo thang tranh chấp biển đảo?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Kanaev phân tích: “Vào đầu những năm 2000, chủ nghĩa thực dụng kinh tế đã thắng thế so với bất đồng chính trị. Tuyên bố về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN đã được ký kết vào năm 2002, đồng thời với quyết định thành lập khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2010, vấn đề Biển Đông khiến cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN trở nên căng thẳng. Vì vậy, coi mở rộng hợp tác kinh như cơ chế hòa giải là không thích hợp. Đó là những vấn đề không liên quan với nhau, ít nhất là khi liên quan đến vấn đề tranh chấp biển đảo".
Trước Hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở Bangkok, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lưu ý rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi biển đảo hợp pháp của mình. Ông Tập nói Bắc Kinh sẵn sàng gạt tranh chấp lãnh thổ sang một bên để tìm kiếm sự phát triển chung, nhưng đồng thời vẫn bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
Các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei không tán thành quan điểm nói trên.