Mặc dù Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel vẫn là chính đảng lớn nhất, nỗi lo canh cánh của nước Đức là đảng cực hữu, thậm chí phát xít, “Con đường khác cho nước Đức” (AfD) nổi lên thành lực lượng chính trị lớn thứ ba trong Quốc hội Liên bang.
|
Vẻ mặt thất vọng của Thủ tướng Angela Merkel khi biết kết quả bầu cử Quốc hội Đức ngày 24/9/2017. Ảnh: Reuters |
Với 297 trong tổng số 299 khu vực bầu cử đã có kết quả kiểm phiếu, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng chị em CSU dự kiến sẽ giành được khoảng 33% tổng số phiếu bầu.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) do ứng viên Martin Schulz lãnh đạo chỉ giành được 20,5% tổng số phiếu bầu, trong khi đảng Xanh và đảng Cánh tả duy trì tỷ lệ ủng hộ bằng năm 2013, với 8,8% tổng số phiếu bầu.
Thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này lại là Đảng Dân chủ Tự do (FDP) với 10,8% và đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AfD) với 12,7% tổng số phiếu bầu. AfD lần đầu tiên có mặt trong Quốc hội Đức và trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba. Sự kiện này đánh dấu việc có mặt đầu tiên của một đảng cực hữu tại Quốc hội Liên bang trong hơn nửa thế kỷ qua.
Mặc dù kết quả bầu cử cho thấy CDU vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội Đức, nhưng đảng này đã mất phiếu đáng kể so với tỷ lệ ủng hộ 41,5% trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Với một liên minh ba đảng để tránh một chính phủ thiểu số, Thủ tướng Angela buộc phải lãnh đạo chính quyền ít ổn định hơn so với ba chính quyền trong quá khứ của bà.
Trước đám đông tụ họp tại trụ sở CDU ở thủ đô Berlin , Thủ tướng Angela Merkel nói: "Chúng ta đã hy vọng một kết quả tốt đẹp hơn" và nói về "những tuần khó khăn sắp tới” đối với CDU. Bà Merkel "tự tin" nói rằng nước Đức sẽ có một chính phủ mới vào dịp Giáng sinh.
SPD không tiếp tục liên minh cầm quyền với CDU
SPD cũng đang liếm láp vết thương vì đảng chính trị lâu đời nhất của nước Đức đã mất tín nhiệm thảm hại sau 4 năm “đại liên minh” cầm quyền với CDU. Lãnh đạo đảng Martin Schulz nói rằng đây chính là thời khắc “cay đắng" trong "lịch sử Dân chủ Xã hội” ở Đức.
Ông Schulz hứa hẹn SPD sẽ không liên minh cầm quyền với CDU một lần nữa và thay vào đó trở thành lãnh đạo phe đối lập. Ông nói: "Cử tri đã bỏ phiếu bác bỏ ‘đại liên minh’ và Thủ tướng (Merkel) là kẻ thua cuộc lớn nhất”.
Thủ tướng Merkel đã nói rằng bà không muốn lãnh đạo một chính phủ thiểu số và điều này có thể dẫn đến liên minh ba đảng (CDU, FDP và Đảng Xanh), chính quyền ba đảng đầu tiên kể từ những năm 1950. Hầu hết các cử tri Xanh cho biết họ thích vai trò đối lập truyền thống hơn.
Có lẽ, sự thất vọng lớn nhất của cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 24/9 là việc đảng cực hữu, thậm chí phát xít, “Con đường khác cho nước Đức” (AfD) giành được 12,7% tổng số phiếu bầu và đánh dấu việc lần đầu tiên một đảng cực hữu có mặt trong Quốc hội Liên bang Đức trong vòng hơn nửa thế kỷ qua.
Đồng chủ tịch AfD Alexander Gauland đã cam kết sẽ "săn đuổi" chính phủ của Thủ tướng Merkel, nói rằng AFD sẽ "giải thoát" nước Đức khỏi ban lãnh đạo hiện tại. Với việc giành được 89 ghế trong Quốc hội Liên bang mới, AfD chắc chắn sẽ có phương tiện để làm điều này.
Tuy 87% cử tri Đức đã không bỏ phiếu cho những kẻ cực hữu theo chủ nghĩa quốc xã, nhưng AfD sẽ là thách thức đáng gờm đối với nhiệm kỳ Thủ tướng Đức lần thứ 4 của bà Angela Merkel.