Lời kêu gọi hãy để quân ly khai tự quản miền đông Ukraine có vẻ như trái ngược với những tuyên bố của chính quyền Kiev, khi coi Donbass là vùng lãnh thổ không thể tách rời. Thế nhưng Mỹ và phương Tây cho đến thời điểm này dành cho Kiev những hậu thuẫn gì để Tổng thống Petro Poroshenko có thể níu kéo hy vọng? Thực sự thì không nhiều.
Sáu tháng sau khi Kiev, phe ly khai và các bên liên quan ký Thỏa thuận Minsk-2 với trọng tâm là thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine, tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Các cuộc giao tranh, đấu súng giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi ly khai ở Donetsk và Lugansk diễn ra như cơm bữa. Hội đồng Quốc phòng-An ninh Ukraine hồi tháng 7 đã phải phát đi cảnh báo về nguy cơ quân ly khai có thể mở cuộc phản công trên ba hướng nhằm đánh chiếm các khu vực hiện nằm dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ.
Thế nhưng quan điểm của Mỹ và các đồng minh Châu Âu dường như lại có sự thay đổi theo chiều hướng không như mong muốn của Kiev - tờ báo Mỹ bình luận. Ngoại trừ việc Nhà Trắng “khẽ” tăng cường cấm vận chống Nga và Lầu Năm góc tuyên bố huấn luyện lực lượng đặc nhiệm cho Ukraine, Mỹ đã thuận theo Đức và Pháp gây sức ép chính trị mạnh mẽ lên chính quyền Tổng thống Poroshenko.
|
Tổng thống Ukraine P. Poroshenko ở trong tình thế "trên đe, dưới búa".
|
Ngay sau thời điểm Ngoại trưởng John Kerry có chuyến thăm tới Nga (5/2015) và có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng Sochi, giới chức Mỹ đã gây áp lực buộc ông Poroshenko chấp thuận sửa đổi hiến pháp, cho phép tiến hành các cuộc bầu cửa địa phương ở miền Đông cũng như trao quy chế tự quản đặc biệt đối với một số khu vực. Quốc hội Ukraine mới đây đã miễn cưỡng phải đồng ý đề xuất sửa đổi này, sau khi ông Poroshenko cảnh báo các nghị sĩ rằng Kiev sẽ phải “đối mặt với kẻ thù mà không có đồng minh” nếu không thông qua những thay đổi hiến pháp.
Theo phân tích của Washington Post, chính quyền Washington nhìn nhận việc Kiev “gương mẫu” thực hiện Thỏa thuận Minsk-2 với bước sửa đổi hiến pháp sẽ lập tức gây sức ép ngược trở lại đối với Nga, tước đi tiền đề để quân ly khai có thể mở các cuộc tấn công. Thế nhưng đây chỉ là cách nói mà thôi, bởi xung đột miền đông Ukraine chưa thể giải quyết “một sớm một chiều” và sẽ là thách thức đối với Ukraine trên con đường “độc lập và dân chủ”.
Bài xã luận nhìn nhận, thay vì “hợp thức hóa” vị thế chính trị của phe ly khai, Ukraine nên “từ bỏ” miền đông, để mặc Moscow và lực lượng đòi độc lập nhận trách nhiệm duy trì, quản lý vùng đất này. Về phần mình, chính quyền Obama cần nâng cấp tiềm lực quốc phòng cho Ukraine, đủ sức đối phó với các mối đe dọa bị tấn công.