Bạo loạn ở miền nam Philippines vẫn còn tiếp diễn

Google News

(Kiến Thức) - Theo giới phân tích, mặc dù trận chiến Marawi có thể sẽ kết thúc, nhưng bạo loạn ở miền nam Philippines vẫn còn âm ỉ và chờ dịp bùng phát.

Khi cuộc khủng hoảng ở Marawi bước vào tuần thứ hai, lực lượng an ninh của Philippines đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn thành phố Hồi giáo trên đảo Mindanao ở miền nam Philippines.
Sau Marawi, bao loan o mien nam Philippines van con tiep dien
Những kẻ khủng bố phục kích và chiếm được một số xe bọc thép của Quân đội Philippines trong cuộc chiến Marawi. Ảnh Al Masdar News 
Ngày 23/5, những kẻ khủng bố liên kết với cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) - bao gồm các nhóm Maute và Abu Sayyaf - đã tìm cách đánh chiếm thành phố Marawi. Khoảng 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa chạy loạn và 100 người đã thiệt mạng. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt Mindanao trong tình trạng thiết quân luật.
Nhưng Maute và Abu Sayyaf không phải là những nhóm khủng bố duy nhất gây bạo loạn ở miền nam Philippines. Những nhóm khủng bố khác bao gồm nhóm Các chiến binh Hồi giáo Tự do Bangsamoro, nhóm Katibah al-Muhajir - một nhóm khủng bố bao gồm người Malaysia và Indonesia - và nhóm Jama'at al-Muhajirin wa al-Ansar bi al-Filibin, được thành lập vào tháng 4 năm 2017 và hoạt động tại Davao. Các nhóm khủng bố này vẫn là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
An ninh Philippines đã chọc vào “tổ kiến lửa”
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi các lực lượng an ninh Philippines tìm cách bắt giữ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm khủng bố Abu Sayyaf và được cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) phong làm Tiểu vương của "Những người lính Vương quốc Hồi giáo (Caliphate)" ở Đông Á. Trùm khủng bố Isnilon Hapilon được cho là đang ở thành phố Marawi, khi lực lượng an ninh Philippines tiến hành vây bắt.
Trên thực tế, lực lượng an ninh Philippines đã chọc vào “tổ kiến lửa”. Lực lượng này đã bị bất ngờ trước quy mô và ảnh hưởng của nhóm Maute ở thành phố Marawi. Nhóm Maute đã tiến hành "đột kích" vào nhà tù Lanao del Sur ở thành phố Marawi, giải thoát 8 thành viên của nhóm và 15 phần tử cực đoan khác mà không tốn một viên đạn.
Các nhóm khủng bố ở Mindanao vốn quen thuộc địa hình và dựa vào mối quan hệ gia đình hoặc bộ lạc cũng như các mối liên kết với các nước láng giềng Malaysia và Indonesia.
Các nhóm này cũng làm chủ chiến thuật chiến tranh đô thị. Thành phố Marawi không phải là thành phố đầu tiên bị những kẻ khủng bố có liên hệ với IS đánh chiếm. Sau vụ đánh bom Davao vào tháng 9/2016, nhóm Maute đã vây hãm và chiếm thị trấn Butig, khiến 16.000 cư dân ở đây phải chạy loạn. Quân đội Philippines phải mất 5 ngày mới giành lại thị trấn Butig.
Mindanao: Chiến địa mới của những kẻ thánh chiến ở Đông Nam Á
Trong thời gian gần đây, các phần tử khủng bố người nước ngoài do IS đào tạo coi Mindanao là một căn cứ của các phần tử thánh chiến. Những phần tử cực đoan muốn gia nhập IS không thể đến Trung Đông đã được khuyên đến Mindanao.
Mặc dù chính quyền Philippines tố cáo các tay súng nước ngoài tham gia cuộc nổi loạn ở thành phố Marawi, nhưng các cư dân địa phương mới là lực lượng chủ lực của các nhóm khủng bố. Lấy nguồn cảm hứng từ cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”, nhiều thanh niên bị ruồng bỏ ở Mindanao đã chạy theo hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Một nguyên nhân nữa khiến cho tình hình Mindanao trở nên bất ổn là xu hướng sử dụng bạo lực để đạt được các mục tiêu kinh tế hoặc chính trị. Trong 20 năm qua, “Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro” đã cố gắng đàm phán với Manila để chấm dứt chu kỳ bạo lực. Các cuộc đàm phán đã lên đến đỉnh điểm với thỏa thuận hòa bình với Manila trong năm 2014 dự kiến thông qua Luật cơ bản Bangsamoro, tạo ra một thực thể chính trị tự trị ở Mindanao. Cho đến khi luật này được thông qua và khu vực bắt đầu thịnh vượng, các tổ chức phi chính phủ và nhà hoạt động địa phương cho rằng nhiều thanh niên ở Mindanao sẽ tiếp tục nổi dậy bằng bạo lực.
Các thủ lĩnh Maute đã biện minh cho hành động của họ bằng cách tuyên bố rằng thành phố Marawi đáng bị đánh chiếm vì sự phổ biến của “quan hệ ngoài hôn nhân, vấn nạn cờ bạc, video-karaoke, rượu, thịt lợn và mại dâm". Theo họ, cần áp đặt luật Hồi giáo Sharia để thủ tiêu các vấn nạn nói trên.
Thật không may, mặc dù cuộc khủng hoảng Marawi có thể sẽ chấm dứt, nhưng các cuộc nổi loạn lấy nguồn cảm hứng từ IS vẫn đang âm ỉ chờ dịp bùng phát ở Mindanao. Ngay cả khi Quân đội Philippines có thể tiêu diệt tất cả các tay súng có liên hệ với IS đang cố thủ trong thành phố Marawi, các cuộc nổi loạn vẫn có thể bùng phát ở nhiều nơi khác trên đảo Mindanao.
Minh Châu (Theo TODAYonline)

>> xem thêm

Bình luận(0)