Đó chính là nhận định liên quan tới mật độ đưa tin bài của báo chí phương Tây đối với cuộc biểu tình ở Hồng Kông do các chuyên gia chính trị nêu ra.
“Báo chí phương Tây đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông dường như giống với cách thức họ phủ sóng về các sự kiện ở thủ đô Kiev của Ukraine. Để minh chứng cho điều này, bạn có thể nói về sự phủ sóng tin tức có phần thiên vị của truyền thông Mỹ - vốn vẫn được nhìn nhận là bộ phận định hình dư luận thế giới”, nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Học viện Khoa học Nga, ông Alexander Salitsky cho hay.
|
Cảnh biểu tình ở Hồng Kông.
|
“Các chủ đề của những bản tin trên thế giới phần lớn được hình thành bởi các cơ quan báo chí Mỹ. Và người Mỹ thường định hướng điều này cho nhiều quốc gia khác”, ông Salitsky nói thêm.
Chuyên gia Học viện Quan hệ Đối ngoại Quốc gia Moscow (MGIMO), ông Alexander Lukin cũng đồng tình với ý kiến trên của ông Salitsky. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh về các nhân tố nội bộ trong xã hội ở Hồng Kông.
“Đây thực sự là một cuộc xung đột nội bộ vốn manh nha từ khá lâu rồi. Đó là một cuộc biểu tình không còn mới mẻ gì cả, bắt nguồn từ lúc Anh lên kế hoạch trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc”, ông Lukin bày tỏ.
Hàng nghìn người đã tụ tập ở các con đường của đặc khu hành chính này để tham gia Chiến dịch Chiếm lĩnh Trung tâm, vốn bắt đầu từ ngày 26/9. Họ phản đối quyết định của Bắc Kinh trong cách thức bầu chọn người lãnh đạo của đặc khu này vào năm 2017. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã khiến ít nhất 56 người bị thương, 89 người khác bị bắt.
|
Người dân tập trung biểu tình ở Quảng trường Maidan, thủ đô Kiev.
|
Theo ông Lukin, tình hình bất ổn hiện nay là do thực tế một phần người dân trong xã hội Hồng Kông ủng hộ dân chủ hóa hệ thống chính trị, đặc biệt là việc bầu trực tiếp ban lãnh đạo, bao gồm cả Trưởng Đặc khu.
“Chính quyền Trung ương Trung Quốc đã có một số nhượng bộ, nhưng những người ủng hộ dân chủ ở đặc khu này vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn”, ông Lukin nói.