Bàn về vai trò an ninh mới của Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều nhà phân tích rất quan tâm đến vai trò an ninh mới của Nhật Bản nhân dịp Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức nước Mỹ.

Một vấn đề quan trọng trong chuyến công du tới Washington của Thủ tướng Abe là nhằm nâng cao sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật Bản.
 Thủ tướng Abe bắt tay với Tổng thống Obama ở phòng Oval ngày 28/4.
Thỏa thuận quốc phòng mới cho phép Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động quân sự và hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Mỹ ngay cả khi Washington không tham gia vào các hoạt động trực tiếp bảo vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, để những điều trên được hiện thực hóa thì lưỡng viện Nhật Bản trước tiên phải sửa đổi  Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.
Áp lực từ Mỹ
Mỹ vẫn thường “thúc giục Nhật Bản đảm nhận một vai trò an ninh lớn hơn, không chỉ để phòng vệ mà còn trong các vấn đề an ninh trong khu vực và toàn cầu”, chuyên gia Bruce Klingner từ Quỹ Di sản Washington trao đổi với mạng tin Deutsche Welle.
Ông Klingner nói rằng, đặc biệt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên và Trung Quốc, Mỹ rất mong chờ Nhật sẽ đóng một vai trò tích cực hơn nữa. “Việc thúc giục đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ hướng tới thực thi quyền phòng vệ tập thể và dành nhiều hơn 1% ngân sách cho quốc phòng”, vị chuyên gia nói.
Vai trò quan trọng của Nhật Bản
Chuyên gia Shihoko Goto của Trung tâm nghiên cứu Wilson cho rằng việc Washington muốn Tokyo tích cực hơn nữa trong các vấn đề an ninh là do vấn đề duy trì ổn định, hòa bình và an ninh khu vực là một nhiệm vụ rất nặng nề.
Mỹ nhìn nhận sự tham gia của Nhật Bản (trong vấn đề an ninh) là quan trọng. “Đối với Mỹ, liên minh (Nhật-Mỹ) là thực sự quan trọng nhằm đảm bảo các cam kết của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Còn về phần mình, Nhật Bản coi mối quan hệ liên minh này là “trung tâm của toàn bộ cơ chế quốc phòng”, ông Goto cho hay.
Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa xác nhận điều đó trong cuộc phỏng vấn với tờ Wahington Post. Ông Abe đánh giá rằng, chính sách xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Obama đóng góp quan trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nhật lo ngại trước chương trình hạt nhân Triều Tiên
Trong một bài báo đăng tải trên tờ Wall Street Journal ngày 23/4, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc cho rằng Triều Tiên có thể sản xuất đủ đầu đạn hạt nhân để gây ra “mối đe dọa thực sự đối với  Mỹ và các đồng minh”.
 Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối lo lớn nhất của Nhật Bản.
Trong khi đó, trong vòng 27 năm qua, Trung Quốc hầu như năm nào cũng tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10%. Đến bây giờ, khoản chi tiêu đó cao gấp 3,6 lần so với của Nhật Bản. Bởi lẽ đó, ông Goto xác nhận, "sức mạnh quốc phòng  gia tăng ở Trung Quốc" là mối đe dọa với Nhật Bản.
Trung Quốc hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ
Hành động hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ được nhìn nhận là khiêu khích không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với Hàn Quốc và Philippines.
Khi thấy các đồng minh của mình "thất thế" trước Bắc Kinh thì Washington nhận ra rằng, trọng trách đè lên vai mình lại càng nặng nề.
Cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương thảo về những quy tắc quốc phòng mới giữa Nhật-Mỹ. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng có đôi lần ám chỉ rằng, vấn đề bảo vệ quần đảo trên là một trong các trọng điểm được đem ra bàn luận với Nhật Bản ở Washington.
Trung Quốc đã nhiều lần thẳng thắn đề nghị người Mỹ không nên can dự vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Quẩn đào tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 
"Trung Quốc thực sự muốn cầm đầu khu vực", bà Goto nói về lập trường của Bắc Kinh.  Bà giải thích: "Mỹ là cường quốc phương Tây, còn Trung Quốc là cường quốc phương Đông". 
Thanh Nga (theo DW)

Bình luận(0)