Ấn Độ tăng cường quân đoàn sơn cước
Ấn Độ đang tăng cường chiêu mộ binh sĩ cho quân đoàn sơn cước có quân số lên tới 90.000 binh sĩ nhằm tăng cường phòng ngự dọc biên giới với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ là thách thức chính trị đối ngoại hàng đầu cho Thủ tướng mới của Ấn Độ Narenda Modi. Quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng trưởng nhưng 2 nước vẫn chưa giải quyết được vấn đề tranh chấp dọc đường biên giới dài hơn 3200km.
Quân đoàn sơn cước sẽ được trang bị riêng lực lượng pháo binh, lực lượng cơ giới, pháo phòng không và trang thiết bị liên lạc. Hơn 35.000 binh sĩ đã được chiêu mộ cho đơn vị bộ binh ở tỉnh miền đông bắc Assam. Toàn bộ số binh sĩ còn lại sẽ được chiêu mộ trong vòng 5 năm tới. Tổng chi phí cho hơn 90.000 binh sĩ của quân đoàn sơn cước sẽ là 10,6 tỷ USD. Dự án xây dựng lực lượng này được Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc – 1 cơ quan chính phủ nghiên cứu các vấn đề chiến lược liên quan đến Trung Quốc đưa ra năm 2013.
|
Binh sĩ quân đoàn sơn cước của Ấn Độ tập luyện. |
Quân đoàn sơn cước là tín hiệu mới về tính tích cực của New Delhi cũng như giúp tăng cường khả năng phòng thủ trước Trung Quốc của Ấn Độ - vốn từ lâu tập trung vào biên giới với Pakistan. Trong các mục tiêu được ông Modi đặt ra trước kỳ tranh cử, ông này cho biết việc tăng cường hiện đại hóa quân đội sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.
“Trung Quốc thường xuyên vi phạm biên giới Ấn Độ. Thủ tướng mới của Ấn Độ sẽ phải đảm bảo biên giới phải được bảo vệ tốt”, trung tướng về hưu Prakash Katoch cho hay. Ông Prakash Katoch từng là chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Ấn Độ.
Ông Prakash Katoch dự đoán cả 2 nước sẽ tăng cường sức ảnh hưởng nhằm giành giật lợi ích của nhau.
Tranh chấp kéo dài
Ấn Độ và Trung Quốc từng có cuộc chiến biên giới ngắn ngủi trong năm 1962. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc, 2 nước vẫn tiếp tục duy trì sự nghi ngờ trong mối quan hệ song phương mặc dù quan hệ kinh tế giữa 2 nước ngày càng tăng.
Năm ngoái, 2 nước đã có 3 tuần căng thẳng trong tháng 5 tại khu vực Ladakh sau khi lính Trung Quốc tiến 6 dặm vào trong vùng lãnh thổ được Ấn Độ tuyên bố thuộc chủ quyền nước này. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc kể trên. Cả 2 nước đã thực hiện nhiều bước đi để giảm căng thẳng biên giới bao gồm thông báo trước những cuộc tuần tra quân sự dọc biên giới không rõ ràng giữa 2 bên.
|
Quân đội Ấn Độ đi tuần ở dãy Himalayas. |
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng cường xây dựng đường bộ, đường sắt và sân bay dọc biên giới nhằm triển khai quân đội nhanh nhất có thể tới đó. Chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc ở biên giới, Ấn Độ cũng phải xây dựng thêm đường bộ cũng như nâng cấp các sân bay dọc biên giới với Trung Quốc và triển khai trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu tới các sân bay kể trên. Kể cả máy bay vận tải C-130J được Ấn Độ mua từ Mỹ cũng sẽ được triển khai tới bộ chỉ huy phía đông. Máy bay đa năng C-130J được coi là mẫu máy bay vận tải tiên tiến dành cho các nhiệm vụ đặc biệt nhờ khả năng triển khai binh sĩ tới các vùng núi hiểm trở.
“Ấn Độ đã thua trong cuộc chiến năm 1962 với Trung Quốc vì không có đường dây kết nối hiệu quả với biên giới. Ấn Độ thua cuộc chiến còn vì chúng ta không được huấn luyện tốt cũng như không có đầy đủ trang bị. Chúng ta muốn tình hữu hảo với Trung Quốc nhưng không có lý do gì mà chúng ta không nên tăng cường khả năng quân sự”, thiếu tướng về hưu P.L. Kher – từng tham chiến trong cuộc chiến năm 1962 nhận xét.
Cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962 cũng như việc Ấn Độ thua trận từ lâu đã là chủ đề các nhà quân sự Ấn Độ không muốn thảo luận. Các báo cáo điều tra về nguyên nhân thua trận của Ấn Độ vẫn còn là bí mật cấp cao.