Tuyên bố tranh cãi gần đây của Trung Quốc về Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) đã làm dấy lên quan ngại rằng, Bắc Kinh sẽ sớm thiết lập một khu vực như vậy ở Biển Đông.
Theo đó, vùng ADIZ này bao trùm lên cả bãi đá tranh chấp Leodo/Suyan và quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ ngày một căng thẳng.
Khi công bố về AIDZ mới này, Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng đáp trả lại các máy bay đi qua vùng này mà không thông báo cho Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ để đối phó với những máy bay không tuân theo các yêu cầu mà chúng tôi đặt ra”.
Ngoài ra, một tuyên bố mới đây của Bộ Quốc phòng cho biết, họ sẽ “thiết lập một vùng ADIZ khác trong một thời điểm thích hợp khi hoàn thành các công tác chuẩn bị”.
Đối với Manila, phát biểu trên báo hiệu rằng, Bắc Kinh dự tính lập ra ADIZ khác ở Biển Đông, nơi đang diễn ra tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cùng các địa điểm tranh chấp khác ở Biển Đông.
“Có một mối đe dọa rằng: Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận (ở Biển Đông). Trung Quốc đang âm mưu biến một vùng không phận quốc tế thành không phận nội địa của họ. Đó là một hành vi xâm phạm và làm tổn hại tới sự an toàn của ngành hàng không dân dụng và an ninh quốc gia của những nước bị ảnh hưởng”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói.
Trước quan ngại trên, một số nhà phân tích tin rằng, Bắc Kinh có thể áp đặt một vùng ADIZ ở Biển Đông nhằm nhấn mạnh cơ sở pháp lý đối với yêu sách của họ. Họ nhìn nhận, vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông của chính quyền Bắc Kinh như là một phần mở rộng của “chiến lược cải bắp”.
Theo đó, chiến lược này nhằm phát huy quyền kiểm soát của Trung Quốc lên các vùng biển lân cận, kết hợp với các quy định mới và tăng cường các cuộc tập trận quân sự để củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ đối với các vùng tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương.
|
Một cuộc tập trận chung trên biển Đông.
|
Trước một âm mưu tiềm tàng này của phía Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á không khỏi lo ngại về một viễn cảnh không máy sáng sủa. Trước đó, họ còn hi vọng rằng, mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể dưới thời Chủ tịch Tập Cập Bình.
Tuy nhiên, tình hình lại đi trái với dự liệu. Theo quan điểm của các quan chức cấp cao Philippines, chính quyền ông Tập đã thực hiện nhiều động thái gây hấn khiến căng thẳng khu vực lên cao. Chưa kể, phía Trung Quốc còn mở rộng các cuộc diễn tập quân sự ở vùng biển tranh chấp đồng thời ngăn Mỹ và Nhật can dự vào tình hình khu vực.
Chưa kể, không lâu trước khi tuyên bố ADIZ, chính quyền của ông còn thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Hiện tại, thông qua đơn vị trên, ông Tập sẽ trực tiếp chỉ đạo các quyết định quan trọng đối với các vấn đề ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các nhà phê bình nhìn nhận, ông Tập sẽ đưa ra một lập trường quyết đoán hơn đối với các vấn đề khu vực thông qua mối quan hệ thân thiết với quân đội và khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc” của vị lãnh đạo này.
Đáp lại, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường quan hệ song phương, kiềm chế sự leo thang tiềm tàng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Chưa kể, Nhật cùng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng soạn thảo ra một tuyên bố chung để bày tỏ quan ngại đối với bất cứ đe dọa nào đối với ngành hàng không dân dụng quốc tế.
Theo đó, tuyên bố dự thảo chung này, trong đó tái khẳng định vị trí của các quốc gia Đông Nam Á và Nhật đối với “an ninh hàng hải” và “tự do hàng hải” trong vùng biển quốc tế, dự định sẽ được trình bày ở Cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhật và ASEAN.
Do vậy, các quốc Đông Nam Á hi vọng, những chỉ trích gay gắt của dư luận quốc tế đối với ADIZ ở Biển Hoa Đông sẽ khiến Trung Quốc “nản chí” trước ý định lập ra một khu vực tương tự như vậy ở Biển Đông.